Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Xuất bản sách điện tử tụt dốc thê thảm
Tú Ân - 19/01/2021 06:55
 
Sách điện tử từng được xem như chiếc phao mới của ngành xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số và Covid-19, nhưng thực tế lại không như mong đợi.
Sách điện tử tại Việt Nam rất ít, vẫn chủ yếu là scan từ bản giấy lên
Sách điện tử tại Việt Nam rất ít, vẫn chủ yếu là scan từ bản giấy lên

Phập phù sách điện tử

Từ năm 2015, một số nhà xuất bản bắt đầu thử nghiệm xuất bản sách điện tử. Trong năm này đạt 1.163 đầu sách, nhưng hầu hết là sách scan từ sách in để bán qua trang web. Năm 2016 - 2018, số lượng đầu sách điện tử giảm mạnh do các nhà xuất bản tạm dừng để thực thi quy định pháp luật về đăng ký hoạt động xuất bản điện tử như xây dựng đề án, trang bị các thiết bị, giải pháp đáp ứng điều kiện hoạt động xuất bản điện tử theo quy định. Năm 2019, đạt 2.400 đầu sách điện tử. Năm 2020, cùng sự suy giảm chung của toàn ngành do đại dịch Covid-19, sách điện tử giảm còn 2.000 đầu sách. Hiện có 9 nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử, chỉ chiếm 15% tổng số nhà xuất bản.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận xét, xuất bản phẩm điện tử (ebook) của Việt Nam hiện chủ yếu là các hình thức sách được số hóa từ sách đã được xuất bản lần đầu dưới dạng sách in và phát hành trên mạng Internet, hoặc thông qua các ứng dụng cài đặt vào các thiết bị cá nhân như máy tính, smartphone, tablet… Đa số đơn vị xuất bản sản xuất ebook theo định dạng PDF, một phần do thiếu vốn để đầu tư công nghệ, một phần là do tính quen thuộc của PDF. Chưa có đơn vị nào xuất bản sách điện tử cầm tay chuyên biệt, độc lập như kiểu Kindle của Amazon…

“Số lượng sách điện tử chỉ chiếm khoảng 5 - 7% trong tổng số đầu sách. Doanh thu từ xuất bản điện tử còn rất thấp, thậm chí nhiều đơn vị chưa ghi nhận doanh thu từ mảng sách này sau nhiều năm triển khai”, ông Nguyên cho biết.

Xuất bản điện tử được đánh giá là đầy tiềm năng nếu nhìn vào con số gần 70 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, thuộc top 15 nước có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới với 43,7 triệu người… Vậy tại sao vẫn chưa đạt như kỳ vọng?

Lý giải điều này, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ cho hay, độc giả Việt Nam vẫn có thói quen đọc sách in. Ngoài ra, còn một thói quen chưa tốt của bạn đọc, đó là chỉ muốn tiêu dùng miễn phí, ít chịu trả tiền cho những sản phẩm trực tuyến, khiến doanh thu mảng này kém, các đơn vị giảm đầu tư.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, trở ngại lớn nhất của xuất bản điện tử hiện nay là nạn vi phạm bản quyền tràn lan. Người đọc có thể tìm thấy bản điện tử của bất cứ cuốn sách nào trên mạng để đọc.

Tạo dựng hành lang pháp lý

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch ThaiHaBook, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập tồn tại, một dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS…. ngày càng chiếm ưu thế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

“Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các nhà xuất bản lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng Internet. Đi đầu vẫn là các tập đoàn công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Yahoo, Facebook, kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, SamSung, Nokia, Sony… tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hoặc cho phép tải sách điện tử qua Appstore, Google play, nhằm gia tăng giá trị ứng dụng của các sản phẩm công nghệ thông tin”, ông Hùng nói.

Để tăng lượng xuất bản sách điện tử, ông Hùng đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần phổ biến rõ các thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh xuất bản phẩm điện tử; thủ tục trong việc báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm trong phát hành ấn phẩm điện tử (ebook, audiobooks, kinh doanh nội dung sách trên các ứng dụng)…

Còn theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books, các đơn vị xuất bản hiện nay chỉ sản xuất về nội dung và rất yếu kém về công nghệ. Họ rất khó có thể phát triển những ứng dụng nền tảng cho việc đọc sách và kinh doanh ebook bởi các khó khăn về công nghệ, nguồn vốn và thị trường.

“Việc phát triển một nền tảng thương mại đủ lớn, có tầm vóc thì phải trông cậy những nhà phát hành hay những đơn vị công nghệ, còn phía xuất bản chỉ nên giữ vai trò liên kết”, ông Bình chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Nguyên cho biết, Cục Xuất bản - In và Phát hành đang nỗ lực đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản điện tử lên 15% về số đầu sách được xuất bản hàng năm; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành, khoảng 250 tỷ đồng.

“Điều quan trọng là hoàn thiện thể chế, tạo dựng hành lang pháp lý lành mạnh, thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển trong điều kiện mới, thu hút các nguồn lực và tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào hoạt động xuất bản, trong đó chủ đạo là xuất bản điện tử trên môi trường số”, ông Nguyên nói.

 

Mục tiêu năm 2025 của ngành xuất bản

Xuất bản: duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử. Nâng tỷ lệ đạt 5,5-6 bản sách/người, đứng trong nhóm 4 nước có nền xuất bản phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

In: đưa mức tăng trưởng doanh thu lên 6-7%/năm.

Lĩnh vực phát hành: 90% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trung tâm phát hành sách hiện đại. Năm 2025, phát hành 500 triệu bản sách, đạt mốc doanh thu 5.000 tỷ đồng.

 

Bán sách online: “Cửa sống mới” cho nhà xuất bản
Chuyển hướng xuất bản sách online đang là cứu cánh cho các đơn vị xuất bản trong bối cảnh xuất bản truyền thống suy giảm nặng do Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư