Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm hơn 1 nửa
Quang Hưng - 01/04/2015 17:06
 
Trong khuôn khổ phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 bắt đầu vào lúc 17h30 chiều nay (1/4), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, quý I/2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nâng năng lực cạnh tranh quốc gia bằng các nước ASEAN 6
Chính phủ: Kinh tế không có dấu hiệu giảm phát
Những điểm nổi bật kinh tế 11 tháng năm 2014
Họp báo Chính phủ Thường kỳ
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên Họp báo Chính phủ tháng 4/2015. Ảnh: Quang Hưng

Tại buổi họp báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,15% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giá tăng đầu tiên sau 4 tháng giảm liên tiếp trước đó. So với tháng 12/2014, CPI tháng 3 giảm 0,1%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 0,93%; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 0,74%; Chỉ số giá tiêu dùng Quý I/2015 tăng thấp, trong đó, lần đầu tiên sau 8 năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 và tháng 2 (là các tháng trùng với Tết nguyên đán) giảm so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động giảm giá dầu thế giới và nguồn cung dồi dào, trong khi tổng cầu chưa phục hồi hoàn toàn.

Tổng phương tiện thanh toán đến 20/3/2015 ước tăng 2,09% so với tháng 12/2014. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 0,94%. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,25% (cùng kỳ năm 2014 giảm 0,57%). Tỷ giá VND/USD về cơ bản ổn định song đang có xu hướng tăng do lên giá của đồng USD so với các ngoại tệ mạnh khác.

Thu NSNN đạt khá: Tổng thu NSNN Quý I/2015 ước đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán; Tổng chi NSNN ước đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán (cùng kỳ năm 2014: 23,1%); trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 21% dự toán. Giải ngân vốn NSNN, vốn TPCP đạt thấp.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế,  tăng trưởng GDP Quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây.

Họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 4/2015
Cuộc họp báo cũng có sự hiện diện của Bộ trưởng, Thứ trưởng nhiều Bộ cùng với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Quang Hưng

Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng Quý I/2015 ước đạt 8,35%, đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây; trong đó: Công nghiệp tăng 9,01%; xây dựng tăng 4,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2013: 4,9%; 2014: 5,3%). Quý I/2015 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo: tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đó (2013: 5,3%; 2014: 7,3%).

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 2,14% (thấp hơn mức tăng 2,68% của cùng kỳ năm 2014), trong đó: nông nghiệp tăng 1,54% (cùng kỳ tăng 2,03%), lâm nghiệp tăng 6,02% (cùng kỳ tăng 4,52%), thủy sản tăng 3,38% (cùng kỳ tăng 4,72%).

Về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên giải thích, tăng trưởng ngành nông nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do sản lượng lúa Đông Xuân thu hoạch ở các tỉnh phía Nam giảm 100 nghìn tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước; nhu cầu thị trường và giá cả thủy sản giảm; thời tiết khắc nghiệt (hạn hán) ở nhiều địa phương…

Về xuất nhập khẩu: Trong Quý I/2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014, nếu loại trừ yếu tố giá xuất khẩu (giảm 3,62% so với cùng kỳ) thì tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10,9%; đáng lưu ý là xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm 5,1% (cùng kỳ tăng 13%). 

Họp báo Chính phủ thường kỳ 4/2015
Cuộc họp báo có sự tham dự của đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quý I/2015, theo dõi thị trường cho thấy có sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu tại những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Hoa Kỳ...; Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước có sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc... khiến kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm, nhập khẩu tăng.

Cụ thể, trong quý Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 37,5 tỷ USD, tăng 16,3%, nếu loại trừ yếu tố giá nhập khẩu (giảm 2,61% so với cùng kỳ) thì tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 19,4%.

Nhập siêu trên 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (Quý I/2014 xuất siêu 1,15 tỷ USD, bằng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 919 triệu USD (nếu kể cả dầu thô xuất siêu gần 2 tỷ USD); khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 3,8 tỷ USD.

Trong Quý I/2015, có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 111,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Có 2.565 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; có 16.175 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 94,2% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng); có 5.094 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp nhìn chung diễn biến bình thường và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế. Số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn số doanh nghiệp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (10,2%).

Tổng số doanh nghiệp khó khăn, tạm ngừng hoạt động, giải thể trong Quý I là 18.740 doanh nghiệp, chỉ bằng 3,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (521 nghìn doanh nghiệp), thấp hơn nhiều so với thông lệ bình thường của thị trường (tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở khoảng 12-14% là bình thường).

Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ảnh hưởng không đáng kể đến nền kinh tế.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư