Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Xuất khẩu da giày cả năm 2024 dự kiến đạt 27 tỷ USD
Thế Hải - 28/08/2024 13:54
 
Kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách 7 tháng 2024 đạt 15,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ, dựa trên lượng đơn hàng doanh nghiệp đã ký kết, dự báo xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt 26-27 tỷ USD.
Xuất khẩu toàn ngành da giày năm 2024 dự kiến đạt 27 tỷ USD.
Xuất khẩu toàn ngành da giày năm 2024 dự kiến đạt 27 tỷ USD.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 15,2 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,1%; túi xách đạt 2,35 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Dấu hiệu phục hồi xuất khẩu với ngành da giày tốt dần lên từ cuối năm 2023 và khởi sắc rõ hơn trong những tháng gần đây. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bằng chứng là 7 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng 23,8%; thị trường CPTPP tăng 13,9%; thị trường Asean tăng 2,4%. Riêng khu vực các nước EAEU không có xuất khẩu do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.

Ông Nguyễn Công Hân, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hải Phòng cho biết, 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép sang các thị trường có FTA tăng 8% so với cùng kỳ. Một số thị trường có mức tăng trưởng trên 10% như: châu Âu (13%), Hàn Quốc (13%), Asean (17%), Hongkong (27%)…

Lefaso dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và lượng đơn hàng doanh nghiệp đã ký kết, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.

Năm 2023, xuất khẩu da giày không đạt mục tiêu đề ra, khi chỉ mang về  24 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 4 tỷ USD) so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 20,2 tỷ USD, giảm 15,3%, chiếm 5,7% tổng xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô dù đạt 3,78 tỷ USD, giảm 7,8% so với năm 2022.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho rằng, thách thức lớn nhất với ngành da giày lúc này là đáp ứng các quy tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...

Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng.

Những chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành. 

Đáng lưu ý, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành da giày, chỉ sau Mỹ. Năm ngoái, chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU đạt 4,82 tỷ USD, giảm 17,5% và chiếm 23,8% trị giá xuất khẩu mặt hàng giày dép (một số thị trường quan trọng trong EU đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh là Bỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 26,3%, Hà Lan đạt 1,0 tỷ USD, giảm 5,7%, Đức đạt 943,0 triệu USD, giảm 27,1%). 

Trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu yêu cầu cao hơn về tính bền vững, minh bạch của sản xuất, bà Xuân nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, đảm bảo trách nhiệm với xã hội và môi trường". 

Thêm đó, để nâng cao tính chủ động trong tiếp nhận đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao là cải thiện khả năng cung ứng nguyên phụ liệu.

Hiện, phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA để có ưu đãi thuế quan tốt cũng là một rào cản.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may - da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, theo lãnh đạo Lefaso, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. 

Được biết, Lefaso đã kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Khi có trung tâm này, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư