Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu gạo gặp khó về thị trường
Thế Hoàng - 26/06/2019 08:48
 
Các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam đều đồng loạt giảm nhập khẩu, trong khi đó, lượng cung gạo toàn cầu lại gia tăng, tạo áp lực khá mạnh cho ngành xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.
.
.

Giá xuất khẩu giảm, đi kèm bất lợi về thị trường

Giá gạo xuất khẩu trung bình mà các doanh nghiệp Việt Nam ký với đối tác trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 427,5 USD/tấn, giảm 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.

Không chỉ giảm mạnh về giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2019 còn gặp nhiều bất lợi về thị trường, khiến sản lượng gạo xuất khẩu cũng ở chiều đi xuống.

Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong cả năm 2019 với những lý do khác nhau, như: tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh…

Sự sụt giảm lượng nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Nếu như 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang 3 thị trường nói trên đạt 1,44 triệu tấn, thì 5 tháng đầu năm 2019 giảm chỉ còn 239.000 tấn (giảm hơn 6 lần).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, trị giá khoảng 1,18 tỷ USD, tương đương mức giảm 6,3% và 20,4% so với cùng kỳ.

Giải pháp đường dài

Thông tin tại Hội nghị sơ kết Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công thương tổ chức đầu tuần này tại TP.HCM cho thấy, hoạt động xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm đang chịu áp lực từ nhiều phía, đáng quan ngại là nhu cầu gạo tại các thị trường xuất khẩu chính yếu của hạt gạo Việt đều giảm mạnh.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, khó khăn về thị trường sẽ còn “đeo bám” các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng để vượt qua khó khăn. Bởi, không chỉ Việt Nam, mà ngay cả quốc gia xuất khẩu gạo mạnh như Thái Lan cũng không tránh được đà sụt giảm.

Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan sang 3 thị trường Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh trong 4 tháng đầu năm 2019 sụt giảm 71,6% so với cùng kỳ năm 2018, khiến tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm tới 16% so với cùng kỳ.

Dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục khó về thị trường cũng như về giá trong năm 2019 và những năm kế tiếp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích nguyên nhân là do gia tăng nguồn cung lúa gạo trên thế giới.

Ước tính, tổng sản lượng gạo toàn cầu năm 2019 sẽ đạt hơn 499 triệu tấn, tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2018. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho từ các niên vụ trước còn khá lớn, điển hình là Trung Quốc đang tồn kho khoảng 116 triệu tấn gạo; từ một nước nhập khẩu gạo, Trung Quốc hiện đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, có khả năng thay thế vị trí của Mỹ. Ngoài ra, phải kể đến việc các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.

Các diễn biến trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, khó khăn của xuất khẩu gạo không thể tìm giải pháp trong ngắn hạn, mà việc thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường mới là giải pháp căn cơ, đường dài.

“Khi người nông dân sản xuất không theo tiêu chuẩn nào, còn doanh nghiệp không liên kết được vùng nguyên liệu, thì luôn luôn xảy tra nghịch lý là nông dân sản xuất ra không bán được, trong khi doanh nghiệp có đơn hàng lại không tìm được sản phẩm đạt yêu cầu”, ông Bình nói.

Trước xu thế toàn cầu của ngành gạo, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đã triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân.

Đặc biệt, với việc ban hành Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, ngành lúa gạo sẽ được định hướng quy hoạch, sản xuất để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng tốc, Việt Nam xuất siêu trở lại
Nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu tăng khá giúp Việt Nam giành lại thặng dư thương mại với con số xuất siêu gần 70 triệu USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư