Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu gạo khó chạm đích 3 tỷ USD
Thế Hải - 18/12/2019 18:52
 
Kim ngạch xuất khẩu lúa gạo trong năm 2019 sẽ khó chạm mốc 3 tỷ USD, bởi nguyên nhân chính là giá gạo xuất khẩu đã giảm rất mạnh gần 13% so với năm 2018 và một số thị trường lớn như Trung Quốc giảm mua gạo Việt Nam.
Xuất khẩu gạo sau chặng đường 11 tháng mới mang về đạt 2,58 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo sau chặng đường 11 tháng mới mang về đạt 2,58 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2019 cả nước xuất khẩu 365.352 tấn gạo, thu về 168,09 triệu USD, giảm trên 19% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng liền kề trước đó.

Tính chung trong cả 11 tháng năm 2019 xuất khẩu gạo vẫn tăng 4,1% về lượng so với cùng kỳ, đạt 5,87 triệu tấn, nhưng giá trị thu về lại giảm trên 9%, đạt 2,58 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu trong năm nay đã tụt dốc rất mạnh so với năm 2018 và là nguyên nhân chính khiến giá trị đem về bị hụt hơi.

Giá xuất khẩu trong 11 tháng 2019 đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 439,3 USD/tấn.

Philippines thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, trong 11 tháng đạt 1,97 triệu tấn, tương đương 813,34 triệu USD, chiếm 33,6% trong tổng lượng và chiếm 31,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng 155,4% về lượng và kim ngạch tăng 133,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bờ Biển Ngà là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ gạo của Việt Nam đạt 534.997 tấn, tương đương 231,45 triệu USD, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn thứ 3, đạt 452.540 tấn, tương đương 225,39 triệu USD, chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, 11 tháng qua, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á  chiếm 44,8% trong tổng lượng và chiếm 42,2% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,63 triệu tấn, tương đương 1,09 tỷ USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 12,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường trong 11 tháng quay đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường như Senegal tăng gấp 12 lần về lượng và tăng gấp 9,8 lần về kim ngạch, đạt 67.915 tấn, tương đương 22,25 triệu USD; Bỉ tăng 164,5% về lượng và tăng 205,7% về kim ngạch, đạt 1.378 tấn, tương đương 0,93 triệu USD; Angola tăng 266,3% về lượng và tăng 139,8% về kim ngạch, đạt 16.174 tấn, tương đương 6,04 triệu USD...

Năm 2018, gạo được đánh giá là điểm sáng của nhóm hàng nông thủy sản khi đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về kim ngạch và giá duy trì ở mức cao trong suốt cả năm. Cả măn 2018, lượng xuất khẩu đạt 6,12 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2017, trị giá đạt khoảng 3,06 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá xuất khẩu bình quân năm 2018 ở mức 501,0 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương mức tăng ấn tượng là 48 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2017.

Nhưng sang năm 2019, giá gạo xuất khẩu đã tụt dốc thê thảm. Sản lượng tăng nhưng giá trị thu về lại giảm đáng kể do nhiều nước nhập khẩu gạo lớn đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo.

Với thực tế xuất khẩu trong 11 tháng chưa đầy 2,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này rất khó bứt tốc để cán đích 3 tỷ USD trong năm 2019.

Xuất khẩu gạo “bốc hơi” 300 triệu USD
Nếu doanh nghiệp không sớm thích nghi với những điều kiện nhập khẩu mới từ các thị trường lớn, nâng tỷ lệ gạo chất lượng cao, xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư