Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu hưởng lợi gì sau khi Việt Nam ký một loạt FTA?
Thế Hải - 03/11/2019 09:27
 
Tất cả các thị trường có FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA, trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân 35,6%/năm, Hàn Quốc tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân 29,2%/năm, Trung Quốc tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm...
Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA.
Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA

Hội nhập sâu rộng nhờ FTA

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội về xuất nhập khẩu và hội nhập, trong đó có việc đánh giá hiệu quả thực thi các cam kết của Việt Nam trong các FTA đang được các ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng và triển khai khá hiệu quả. 

Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 03 FTA đang đàm phán, gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 6 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ; Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) và FTA Việt Nam - Israel..

"Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu", báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Báo cáo về hiệu quả triển khai FTA, Bộ Công Thương cho biết, tất cả các thị trường có FTA của ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi Hiệp định như Chilê (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân 35,6%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm).

Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA, cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á Âu.

Năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2017, xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,85 tỷ USD, tăng 14,4%, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,8 tỷ USD, tăng 11,7%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 23,1%.

Theo Bộ Công Thương

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói rằng, mức tỷ lệ sử dụng C/O này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua. Đây cũng chỉ là tỷ lệ bình quân của các mẫu C/O. Nếu xét theo từng mẫu thì có nhiều thị trường có tỷ lệ sử dụng C/O để xuất khẩu rất cao như Hàn Quốc (60%), Nhật Bản (37,8%),...

Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, Canada tăng 32,9% (đạt 1,83 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 21,9%, túi xách, vali mũ ô dù tăng 16,5%. Mexico tăng 23,4% (đạt 1,31 tỷ USD), trong đó, thủy sản tăng 21,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,8%, dệt may tăng 24,6%, giày dép tăng 11,2%.

6 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng C/O CPTPP được cấp là 8.265 bộ với trị giá 188,4 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 18,93 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,44% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Giải pháp tận dụng FTA

Bộ Công Thương khẳng định, cùng với các cơ hội thì việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, các quy định về phòng vệ thương mại, TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm, các quy tắc xuất xứ..

Theo đó, để tận dụng tốt được các cơ hội mang lại từ quá trình hội nhập này, Bộ Công Thương đã và đang tham mưu với Chính phủ và chủ động cùng các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập trung triển khai các nhóm giải pháp, gồm:

Tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA vừa có hiệu lực thực thi như CPTPP. Trong thời gian tới, cần tiếp tục làm sao đồng bộ hóa khung pháp luật, tức là bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng đưa toàn bộ hệ thống pháp luật kinh tế của ta ngày càng phù hợp hơn với triết lý "mở" của hội nhập, từ đó đem lại tác động cùng chiều và giúp ta gia tăng năng lực để nắm bắt các cơ hội do hội nhập đem lại.

Phối hợp với các Bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan để xây dựng và hoàn thiện Bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA trình Quốc hội, nhằm nhanh chóng đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng uy tín của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với Liên minh châu Âu nói riêng và với quốc tế nói chung.

Đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): tổ chức thực hiện và theo dõi triển khai việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua Internet.

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; Tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O. Chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ.

Xuất khẩu sữa sang Trung Quốc: Lô hàng nhỏ, bước ngoặt lớn
Một sự kiện đặc biệt vừa diễn ra: lô sữa tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Lô hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư