Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu rau quả tiến lên chuyên nghiệp
Thế Hải - 03/10/2017 15:20
 
Với nhiều doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, ngành rau quả đang khai thông được nhiều thị trường xuất khẩu mới.

Ngày càng chuyên nghiệp

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T vừa khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy đóng gói trái cây xuất khẩu Kim Thành 2 tại Tiền Giang, đưa hoạt động xuất khẩu trái cây của T&T ngày càng chuyên nghiệp.

Chỉ sau hơn 1 tuần khánh thành, Nhà máy Kim Thành 2 đã chạy hết công suất nhằm nhanh chóng đưa sản phẩm thanh long qua Mỹ - một trong những thị trường chủ lực đối với nhiều loại trái cây xuất khẩu của T&T.

.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, việc đầu tư Nhà máy Kim Thành 2 nhằm đáp ứng nhu cầu đóng gói trái cây xuất khẩu của Công ty. Đây cũng là yêu cầu cần thiết với một doanh nghiệp muốn nâng tầm xuất khẩu ở quy mô lớn và được nhiều thị trường khó tính đặt hàng.

Đầu tư để nâng tầm xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp và “trái ngọt” mà Công ty Vina T&T gặt hái cũng thật xứng tầm. Đến nay, ngoài các loại trái cây truyền thống như thanh long, chôm chôm, nhãn, Vina T&T đã đưa được cả sầu riêng, dừa… sang những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ, Australia…

Năm 2017, với nhiều tín hiệu tốt về thị trường, Công ty đặt mục tiêu cán đích xuất khẩu trái cây 12 triệu USD, cao gấp đôi năm 2016. Hết 9 tháng đầu năm 2017, Công ty đã hoàn thành gần xong mục tiêu cả năm 2017.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận những tin tốt. Trong tháng 9/2017, xuất khẩu rau quả đạt 294 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng lên 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2016. Bốn thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, chiếm tới 85,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây một phần nhờ sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới, được đầu tư bài bản.

Ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch HĐQT Minh Hưng Group cho biết, bước đi đầu tiên của Minh Hưng là tìm kiếm giải pháp xử lý dịch hại trên cây trồng mà không để lại tồn dư cho sản phẩm nhằm có vùng nguyên liệu sạch cho xuất khẩu.

Trong khi đó, không bỏ lỡ cơ hội gia tăng xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, Vina T&T chưa hài lòng với Nhà máy đóng gói trái cây xuất khẩu Kim Thành 2 và trong tương lai, Công ty sẽ đầu tư chuỗi nhà máy Kim Thanh 3, 4, 5...

“Khoanh vùng” thị trường chủ lực

Xuất khẩu rau quả ghi nhận sự chuyển biến đáng kể về chất trong mấy năm qua. Các doanh nghiệp tin rằng, với việc đầu tư vùng nguyên liệu và xác định các loại trái cây chất lượng phù hợp nhu cầu tiêu dùng của từng thị trường, triển vọng xuất khẩu trái cây còn lớn hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, trái cây tươi của Vina T&T xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua rất ấn tượng, với nhiều sản phẩm như sầu riêng, nhãn, dừa tươi… Để thâm nhập sâu và lâu dài vào các thị trường chủ lực, Công ty đã có trụ sở tại Mỹ (SLauson Ave, Santa Fe Spring) và châu Âu (Emerson Road, Poole BH15 1QS, Vương quốc Anh).

Theo ông Tùng, tất cả các lô hàng thanh long từ Việt Nam xuất sang Mỹ phải đạt các điều kiện kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ, như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý chiếu xạ, đồng thời tuân thủ Hiệp định SPS (Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật).

Một thị trường rất lớn khác của rau quả Việt Nam là Trung Quốc cũng được khai thông ở cấp cao hơn để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Cuối tuần qua, tại Kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra nhiều giải pháp cho nông sản, gạo, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, bởi vậy, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần có các hoạt động kết nối cung - cầu cho các thương nhân Việt Nam tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, trái cây với khách hàng nội địa Trung Quốc, mở rộng thị trường và phát triển mạng lưới phân phối.

Trong tương lai gần, cùng với sự chuyển động về đầu tư của từng doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các bộ, ngành ở cấp cao hơn cũng hứa hẹn là kênh khai thông quan trọng cho xuất khẩu trái cây, để ngành hàng này không chỉ vượt 3 tỷ USD vào cuối năm nay, mà xa hơn là đích xuất khẩu 5 - 7 tỷ USD/năm trong vài năm tới.

Doanh nghiệp dồn sức cho xuất khẩu rau quả
Xuất khẩu rau quả không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, tạo động lực để các doanh nghiệp chi đầu tư lớn xây dựng nhà máy chế biến rau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư