Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12 năm 2024,
Xuất khẩu rau, quả tiến sâu vào thị trường quốc tế
Linh Nguyễn - 17/12/2024 11:37
 
Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu rau quả nhiệt đới. Việc thu hút các nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam giúp quảng bá sản phẩm, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh toàn cầu.

Thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đang quyết tâm thúc đẩy đà tăng trưởng, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường. Mục tiêu đề ra ban đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ngành hàng rau quả trong năm nay là giá trị xuất khẩu ước đạt từ 6 - 6,5 tỷ USD. Thế nhưng đến thời điểm này, thống kê từ ngành hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng đã đạt khoảng 6,6 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước, chạm đích trước một tháng.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả đều thắng lợi ở nhiều thị trường, mức tăng trưởng đạt trên hai con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Canada, Trung Quốc và Mỹ với các loại trái cây chủ lực như thanh long, chuối, xoài, bưởi, sầu riêng.

Một trong những thị trường nhập khẩu lớn trái cây của Việt Nam là thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho rằng, với đà tăng trưởng hiện tại, ngành rau quả Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2030. Ông cũng cho rằng tiềm năng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đang mở ra nhiều cơ hội mới, giúp nông sản Việt Nam gia tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai mạnh mẽ trong và ngoài nước, giúp ngành rau quả Việt Nam tiếp cận gần hơn với các thị trường khó tính. Trong chuyến xúc tiến thương mại mới đây của Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc), ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30 - 50 container, thậm chí có đơn vị ký thỏa thuận cung cấp 1.500 container. Tất cả các doanh nghiệp tham gia đều có được các thỏa thuận hợp tác xuất khẩu dừa sang thị trường này.

Bên cạnh đó, tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa qua, các doanh nghiệp cũng ký kết được nhiều đơn hàng. Từ khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường đông dân này.

"Hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ với vài công nhỏ lẻ. Do trước đây, người dân trồng chưa thành vùng tập trung và chưa cùng loại giống dừa. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu số lượng lớn với một loại dừa thì việc cung ứng rất khó khăn. 

Bên cạnh đó, công nghệ gọt dừa của Việt Nam còn thô sơ nên hiệu quả chưa cao, khó đáp ứng đơn hàng lớn. Tuy nhiên, trước nhu cầu của nhà nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc nhập khẩu trang thiết bị máy móc để nâng cao hiệu quả cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường này," ông Cao Bá Đăng Khoa chia sẻ.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ cũng đang được khai thác mạnh mẽ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản tiên tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá tại thị trường nước ngoài, việc “kéo” nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam cũng đang trở thành một chiến lược quan trọng. Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) là một minh chứng rõ nét cho điều này. Qua 6 kỳ tổ chức, sự kiện đã khẳng định vị thế là cầu nối giao thương uy tín trong khu vực và trên toàn cầu.

HortEx Vietnam 2024 thu hút hơn 200 đơn vị trưng bày từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 7.000 lượt khách tham quan thương mại từ hơn 30 quốc gia. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các hoạt động như hội thảo chuyên đề, kết nối doanh nghiệp và trình diễn công nghệ đã mang đến những giải pháp thiết thực cho ngành rau quả Việt Nam.

Năm 2025, HortEx Vietnam sẽ trở lại từ ngày 12 - 14/3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện năm nay có quy mô lớn hơn khi kết hợp với Agritechnica Asia - triển lãm hàng đầu thế giới về máy và thiết bị nông nghiệp. Ban tổ chức kỳ vọng sẽ thu hút hơn 400 nhà trưng bày và 15.000 lượt khách tham quan đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thời gian tới, ngành rau quả Việt Nam cần tập trung đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là "chìa khóa" để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất rau hữu cơ
Tại Hà Nội, nhiều mô hình trồng rau hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ môi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư