Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu sản phẩm, công nghệ sang châu Âu: Đích ngắm của viễn thông Việt Nam
Hữu Tuấn - 24/07/2016 07:12
 
Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang nhắm đến xuất khẩu sản phẩm, công nghệ sang châu Âu qua cánh cửa Slovakia.

Trong phái đoàn của ngài Roberta Fica, Thủ tướng Slovakia, đến thăm Việt Nam đầu tuần này, có 18 doanh nghiệp tháp tùng, đặc biệt, có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), trong đó,  đã có những doanh nghiệp hợp tác với nhau.

Trong chuyến sang Việt Nam lần này, một số hợp đồng hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam và Slovakia đã được ký kết.

.
Trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty đầu tư tài chính Slavia Capital Services (SCS) của Slovakia ký biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai bên. Theo đó, SCS của Slovakia sẽ hợp tác và hỗ trợ VNPT trong việc xúc tiến thương mại và đầu tư vào Slovakia cũng như giới thiệu các công ty viễn thông và CNTT của Slovakia. Đồng thời, cung cấp các giải pháp, phần mềm ứng dụng CNTT cho VNPT, đặc biệt, trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, tài nguyên môi trường, y tế, bảo hiểm xã hội, thiết lập trao đổi lưu lượng thoại quốc tế giữa Việt Nam và các nước thuộc EU...

Một hãng công nghệ khác của Việt Nam là FPT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu Tin học Slovakia  (Institute of Informatics, Sovak Academy of Sciences - IISAS). Theo đó, FPT và IISAS sẽ hợp tác nghiên cứu phát triển, cải tiến các dịch vụ, sản phẩm CNTT trong các lĩnh vực: Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Bảo mật thông tin. Đồng thời, FPT sẽ sử dụng các kết quả nghiên cứu và kiến thức chuyên sâu từ IISAS để cải tiến các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng. FPT cũng sẽ hỗ trợ IISAS trong các dự án tại Việt Nam và trên thế giới.

Slovakia là một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ CNTT trọng điểm của FPT cho thị trường châu Âu và trên toàn cầu. Năm 2014, FPT mua lại RWE IT, công ty cung cấp dịch vụ CNTT nội bộ của Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu RWE và đổi tên thành FPT Slovakia. Điều này không chỉ giúp FPT nâng cao năng lực cung cấp, tư vấn giải pháp SAP và các giải pháp “Smart Home”, mà còn giúp mở rộng quy mô khách hàng toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn tại lễ ký kết, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, sau tái cấu trúc, VNPT đẩy mạnh chiến lược đầu tư ra thị trường quốc tế. Việc mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh quốc tế đã được VNPT tích cực thúc đẩy và từng bước phát triển, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ truyền thống với Việt Nam trong đó có Slovakia, quốc gia với cộng đồng trên 5.000 người Việt sinh sống và làm việc. “Cộng đồng người Việt tại Slovakia chính là những khách hàng tiềm năng và là cầu nối để VNPT có thể thâm nhập thị trường và cộng đồng người Việt tại các nước EU”, ông Long cho biết.

Ông Ngô Hùng Tín, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT sẽ phối hợp với doanh nghiệp Slovakia để không những kinh doanh ở thị trường này mà còn hướng ra thị trường châu Âu. Đặc biệt, trước xu hướng công nghệ trong tương lai (IoT), VNPT đã sở hữu nền tảng IoT hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, VNPT muốn hợp tác nghiên cứu phát triển để sản xuất các thiết bị xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Còn ông Dương Dũng Triều, Phó tổng giám đốc FPT cũng tiết lộ: “Chúng tôi muốn phối hợp với doanh nghiệp Slovakia để đưa các dịch vụ phù hợp về thị trường Việt Nam như chính phủ điện tử, giải pháp truyền hình. Ở chiều ngược lại, FPT muốn hợp tác cung cấp dịch vụ phần mềm giá rẻ cho khách hàng tại Slovakia và thị trường châu Âu”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone thì chia sẻ, với gần 40 triệu thuê bao và 4 mảng kinh doanh chính, gồm viễn thông & CNTT - truyền hình - phân phối & bán lẻ - đa dịch vụ, MobiFone muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Slovakia trong lĩnh vực truyền hình và bán lẻ.

Tại buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp Slovakia, các doanh nghiệp của Slovakia cũng đã giới thiệu những tiềm năng mà các doanh nghiệp của Việt Nam và Slovakia có thể hợp tác như lĩnh vực về chính phủ điện tử, các ứng dụng CNTT trong cách ngành ngân hàng, hàng không hay sản xuất các chương trình truyền hình...

Các hợp đồng hợp tác, các bản nghi nhớ đã được ký kết, các cuộc làm việc song phương giữa các doanh nghiệp Slovakia và Việt Nam đã được tiến hành một cách hiệu quả. Đây là một tín hiệu vui cho thị trường CNTT Việt Nam.

Có thể thấy, việc nhắm đến châu Âu, một thị trường tiềm năng rộng lớn để xuất khẩu các sản phẩm công nghệ là “đích ngắm” của các hãng công nghệ Việt Nam. Một sự khởi đầu mới, hướng đi mới cho lĩnh vực công nghệ, một lĩnh vực vốn cạnh tranh quá lớn trong một “manh áo chật” của thị trường nội địa.

Vinaphone vào top 20 thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á
Tối ngày 23/6, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) tổ chức Kỷ niệm 20 năm thành lập mạng di động VinaPhone.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư