Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Xuất khẩu ứng phó với biến động thị trường để về đích
Thế Hải - 06/11/2022 11:33
 
Qua 10 tháng của năm 2022, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá, xuất siêu đạt mức kỷ lục, nhưng khó khăn vẫn thường trực, đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải chủ động, linh hoạt để “về đích” với kết quả cao nhất.

Xuất siêu kỷ lục 9,4 tỷ USD

Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến nay đã đạt khoảng 616 tỷ USD. Như vậy, chỉ còn thiếu hơn 50 tỷ USD nữa là bằng con số của năm 2021. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 312 tỷ USD, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 9,4 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu.

Sau chặng đường gần 10 tháng của năm, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng trưởng tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), như dệt may (tăng gần 24%), da giày (tăng 36%).

Đề cập tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: “Việt Nam đã có một hệ thống doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt. Trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, Việt Nam đã mở cửa đúng lúc, chớp thời cơ tăng tốc xuất khẩu”.

Một số mặt hàng tranh thủ giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu phải kể đến như: hóa chất, chất dẻo, phân bón, thép...

Bên cạnh đó, ngành cà phê cũng đã chớp thời cơ để tăng xuất khẩu. 10 tháng qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 3,3 tỷ USD (tăng 33,4%); giá cà phê xuất khẩu trung bình 10 tháng được doanh nghiệp ký kết là 2.400 USD/tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Trước đó, ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng đánh giá cao kết quả xuất nhập khẩu. “Trong nhiều năm qua, chúng ta không đạt được con số tăng trưởng này. Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng và xuất siêu kỷ lục đã cho thấy rõ sự phát triển xuất khẩu đặc biệt của năm 2022”, ông  Thành nói.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam đều tăng, như Mỹ (tăng 22,6%), Hàn Quốc (tăng 16%), Nhật Bản (tăng 21,3%)... Các nhà đặt hàng lớn thừa nhận, sau biến cố của đợt dịch Covid-19 tại các trung tâm sản xuất phía Nam, các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đặc biệt, bước sang năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển về trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách chống dịch cứng rắn.

Nỗ lực để “về đích”

Kim ngạch xuất khẩu 3/4 chặng đường năm 2022 của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt mức tăng trưởng khá, nhưng bất ổn, khó khăn vẫn thường trực. Doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với những biến động thị trường, chi phí vận chuyển vẫn ở mức rất cao kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 thừa nhận, đã xuất hiện tình trạng suy giảm đơn hàng cho 2 tháng còn lại của năm 2022, thậm chí cả nửa đầu 2023. Giải pháp của doanh nghiệp trong bối cảnh các đơn hàng lớn gặp khó là tập trung vào khả năng thích ứng sản xuất đối với các đơn hàng nhỏ nhưng giá trị cao và đòi hỏi kết cấu phức tạp, không dễ để nhiều nhà cung cấp có thể làm được.

Nhận định về thị trường dệt may những tháng cuối năm, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, quý IV/2022, kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi đó, nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp sợi chưa có đơn hàng trong tháng 11 và 12. Ngành may cũng đang gặp khó khăn hơn. Hầu hết các đơn vị may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực, hoặc có đơn hàng, nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…

Lãnh đạo Vinatex lưu ý các doanh nghiệp căn cứ tình hình thị trường trong và ngoài nước để xúc tiến sớm các chương trình, kế hoạch kinh doanh của năm 2023; có giải pháp phòng ngừa các tình huống tiêu cực của thị trường cũng như các biến động khó dự báo của thị trường tài chính, lãi suất. 

Là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG) cũng cảm nhận rõ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cuối năm 2022 và năm 2023. Cụ thể, USD tăng giá sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ bị gián đoạn.

Trong bối cảnh đó, ông Lê Nguyễn Đoan Duy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh AIG cho rằng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa năng suất, nâng cao hiệu quả.

Ở góc nhìn vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, mặc dù đạt được kết quả tích cực, xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao.

Theo đó, Bộ trưởng đưa ra giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng. 

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 45 tỷ sau 10 tháng năm 2022
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cũng kỳ năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư