Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Y tế - dược phẩm thu hút vốn ngoại qua hình thức M&A
Thành Vân - 08/10/2021 14:25
 
Được xem là điểm sáng trong đại dịch, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).
Y tế và dược phẩm vẫn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, kiêm Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho biết, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận bình quân 2 thương vụ M&A với Nhật Bản trong lĩnh vực y tế và dược phẩm. Nếu tính cả những ngành nghề khác, trong những năm gần đây, Việt Nam có 20 - 30 thương vụ M&A với Nhật Bản mỗi năm.

Một số thương vụ tiêu biểu như Taisho Pharmaceutical mua lại Dược Hậu Giang vào năm 2019, trong đó Taisho đã đầu tư tổng cộng hơn 200 triệu USD (tính đến năm 2019) để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty dược này. Hầu hết giao dịch khác có quy mô nhỏ hơn (tối đa khoảng 10 triệu USD) hoặc không tiết lộ giá trị giao dịch và đa số các công ty được đầu tư đều có quy mô nhỏ, hoặc nhà đầu tư chỉ mua tỷ lệ cổ phần không chi phối.

Theo ông Yoshida, công ty dược Việt Nam thường có nhiều cổ đông lớn, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc thâu tóm cổ phần chi phối để đảm bảo mối quan hệ hợp tác chiến lược. Taisho bắt đầu với một khoản đầu tư không chi phối và sau đó đã thành công trong việc nâng tỷ lệ sở hữu của mình qua nhiều năm. Ngoài ra, các hãng dược phẩm Nhật Bản khác như ASKA và Zeria cũng bắt đầu đầu tư. Các công ty dược phẩm Nhật Bản này đã tìm thấy cơ hội tại Việt Nam và quyết định đánh cược vào thị trường bằng việc bắt tay với công ty trong nước.

Tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản công bố sẽ đầu tư hàng chục triệu USD vào Insmart - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam.

Theo Fitch Solutions, chi tiêu y tế tại Việt Nam dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, BMI Research cho rằng, ngành dược phẩm Việt Nam có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021.

“Đây là một thương vụ đáng chú ý, cho thấy xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển từ lĩnh vực sản xuất sang dịch vụ. Tôi tin rằng, khi các công ty Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản, thì số lượng thương vụ M&A sẽ tăng lên đáng kể”, ông Yoshida chia sẻ.

Theo bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners tại TP.HCM, y tế và dược phẩm vẫn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng cùng với nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng nâng cao trong đại dịch sẽ là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu và các tiêu chuẩn cao hơn trong tất cả các lĩnh vực về y tế. Đặc biệt, việc người dân tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe sẽ mở ra cơ hội thị trường y tế tư nhân.

“Chúng tôi tin rằng, trong thời kỳ đại dịch và cả trong dài hạn, hoạt động M&A trong dịch vụ y tế tư nhân sẽ tiếp tục diễn ra sôi động khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhắm đến các bệnh viện và phòng khám tư nhân trong nước”, bà Hương Trịnh nói thêm.

Trong những năm gần đây, các bệnh viện và phòng khám tư nhân ngày càng được người Việt Nam tin tưởng và lựa chọn, như Vinmec, FV, Hoàn Mỹ… và phân khúc này đang thu hút dòng vốn đầu tư. Năm ngoái, nhóm nhà đầu tư do GIC đại diện đã rót 203 triệu USD vào Vinmec, trong khi VinaCapital đầu tư vào Bệnh viện Thu Cúc.

Ngoài ra, phân khúc phòng khám nha khoa sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư với các chuỗi mới thành lập có cơ sở vật chất chất lượng cao và nha sĩ được đào tạo bài bản. Đầu năm 2021, Kim Dental huy động thành công 24 triệu USD trong vòng Series B từ Quỹ đầu tư ABC World Asia.

Bà Hương Trịnh cũng chỉ ra rằng, các phòng khám chuyên khoa tập trung vào một số lĩnh vực y tế khác như tiêu hóa, vật lý trị liệu và nhi khoa đang có nhu cầu mạnh mẽ. Đặc biệt, Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ y tế với các ứng dụng cho phép người dùng đặt lịch khám và thăm khám bác sĩ thông qua trò chuyện video.

Trên thực tế, nhiều start-up công nghệ y tế như JioHealth và Med247 đã huy động thành công vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy triển vọng của phân khúc mới mẻ này tại thị trường Việt Nam.

Theo Fitch Solutions, chi tiêu y tế tại Việt Nam dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, nghiên cứu của BMI Research cho thấy, ngành dược phẩm Việt Nam có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Như vậy, tiềm năng của thị trường y tế và dược phẩm Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động M&A trong thời gian tới.

Chuyên gia RECOF nhận định, Việt Nam thu hút các hãng dược nước ngoài và Nhật Bản nhờ nền kinh tế phát triển mạnh, dân số trẻ và thị trường dược phẩm tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần quan tâm đến xu hướng xã hội và sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống an sinh xã hội có tổ chức hơn (bao gồm cả bảo hiểm xã hội).

“Công ty nước ngoài với chuyên môn trong các lĩnh vực y tế và dược phẩm đang chờ thời điểm để gia nhập thị trường Việt Nam và các công ty Việt Nam nên sẵn sàng hợp tác với các công ty này khi có cơ hội”, chuyên gia RECOF nói.

Hai năm chung nhà với Taisho, Dược Hậu Giang trả cổ tức 40%
Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu tăng 6%, nhưng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức 821 tỷ đồng trong năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư