Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bảo hiểm ráo riết tìm cổ đông chiến lược
Chí Tín - 24/04/2015 16:36
 
Nhiều công ty bảo hiểm lớn đang xúc tiến khẩn trương việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài. Dự báo, chỉ một thời gian ngắn nữa, sẽ lộ diện những đại gia mới từ ngoại quốc.

Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, chỉ ít ngày nữa, Công ty sẽ chốt hợp đồng thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Theo cam kết với đối tác chiến lược, BIC không được phép tiết lộ danh tính đối tác trước khi thương vụ được công bố chính thức, nhưng ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC “bật mí”, đối tác sắp tới của BIC là một tổ chức có tên tuổi, đến từ một quốc gia phát triển nằm trong Nhóm G7.

 

Theo kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài vừa được BIC thông qua hôm 20/4, BIC sẽ phát hành 41 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tương đương 35% vốn điều lệ của BIC sau khi hoàn thành việc bán cổ phần.

Thực chất, động thái bán cổ phần đã được BIC chuẩn bị kỹ trong cả một quá trình dài trước đây. Từ tháng 8/2014, BIC đã lựa chọn Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là nhà tư vấn tài chính để thực hiện khảo sát toàn diện BIC, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, định giá, lập dự phòng dữ liệu doanh nghiệp và một số công tác cần thiết phục vụ giao dịch bán chiến lược.

Tháng 12/2014, BIC đã chọn Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) làm nhà tư vấn tìm kiếm cổ đông chiến lược và chọn Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh (Vision & Associates Legal) làm đơn vị tư vấn luật cho BIC trong quá trình thực hiện dự án bán cổ phần cho đối tác chiến lược.

Dự kiến, sau khi chính thức chốt được giao dịch với đối tác chiến lược, BIC sẽ thực hiện báo cáo cơ quan chức năng để được chấp thuận trong quý II/2015 và quý III/2015, BIC sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc hoàn tất giao dịch.

Ban đầu, BIC chỉ định bán 30% vốn cho đối tác chiến lược, nhưng sau đó phương án đã được điều chỉnh tăng lên thành 35%. Theo đại diện HĐQT BIC, việc tăng tỷ lệ bán từ 30% lên 35% thực tế không pha loãng nhiều lợi ích của cổ đông hiện hữu. Trong khi đó, việc tăng quy mô phát hành sẽ giúp BIC gia tăng được năng lực tài chính.

Quý I/2015, BIC đạt tốc độ tăng tổng doanh thu phí bảo hiểm 48,5% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương 314 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm 2015. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 44% và doanh thu phí tái bảo hiểm tăng 121,4%. Tỷ lệ bồi thường của BIC vẫn duy trì ở mức 42%, lợi nhuận hợp nhất đạt 44,28 tỷ đồng.

Thực chất, đối tác sắp tới của BIC sẽ không phải là vị khách duy nhất của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian sắp tới, vì sẽ còn có những đại gia khác, tuy kín tiếng, nhưng dáng dấp đã dần lộ diện.

Một trong những vị khách nữa đang được thị trường trông đợi là đối tác của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO). Kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài của PJICO cũng đã khá rõ ràng với mục tiêu bán 20% cổ phần để tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Theo ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO, từ cuối năm 2014, PJICO đã ký hợp đồng tư vấn với công ty tư vấn và tiến hành tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Theo đó, đến nay, quá trình định giá doanh nghiệp cơ bản đã xong và dự kiến chỉ trong tháng 5/2015, PJICO sẽ trình Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) về giá và phương thức chào bán. Tiếp đó, phương án chào bán sẽ được trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và nếu mọi sự “xuôi chèo mát mái”, thì thương vụ sẽ hoàn tất trước khi khép lại năm 2015.

Chưa kể, đại gia Bảo Việt cũng đang rốt ráo hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược. Dự kiến, trong quý III/2015, Bảo Việt sẽ chốt được đối tác chiến lược mới với quy mô phát hành 40 - 61,5 triệu cổ phần phổ thông.

Rõ ràng, những động thái sắp tới của các đại gia như Bảo Việt, PJICO, BIC sẽ tạo ra những thay đổi lớn trên sân chơi bảo hiểm và đương nhiên, các đại gia khác cũng không thể kê gối ngủ yên nếu không muốn bị tụt hậu trước cuộc tăng tốc không khoan nhượng của những người đồng hành.

Doanh nghiệp bảo hiểm Việt nhỏ nhoi trên bản đồ thế giới
Trong khi các thương hiệu bảo hiểm lớn trên thế giới như Prudential, Manulife, AIA, Generali, Samsung... liên tiếp đổ bộ vào thị trường Việt Nam và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư