Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chưa có "cửa" để dòng tiền margin đổ vào UPCoM
 
Chủ trương “mở cửa” cho phép các cổ phiếu trên sàn UPCoM được giao dịch ký quỹ đã hơn một lần được nhắc đến trong các văn bản của Bộ Tài chính hay Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Tuy nhiên, trong dự thảo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ mới, đang được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) lấy ý kiến, nội dung này vẫn để ngỏ.

Hoạt động cho vay margin đối với cổ phiếu trên sàn UPCoM lần đầu được đề cập tại Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK). Thông tư này được ban hành năm 2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, trong đó quy định, chứng khoán được giao dịch ký quỹ là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở GDCK và đáp ứng các tiêu chí theo hướng dẫn của UBCK.

Đến cuối tháng 6 năm nay, khi công bố Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM Premium cho sàn UPCoM, ngoài việc đưa ra các tiêu chí phân loại cổ phiếu, HNX cũng đồng thời đề cập đến việc cổ phiếu thuộc bảng này sẽ được giao dịch ký quỹ nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của UBCK.

Với chủ trương như vậy, nhiều thành viên thị trường chờ đợi UBCK trong lần sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán lần này, sẽ bao quát cả phần quy định về margin trên sàn UPCoM. Xin được nhắc lại là Quy chế hiện hành ghi rõ: chứng khoán đủ tiêu chuẩn giao dịch ký quỹ “không bao gồm các chứng khoán đăng ký niêm yết giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM”.

Mặc dù vậy, bản dự thảo Quyết định ban hành Quy chế mới đang được công bố để lấy ý kiến các thành viên thị trường mới đây không quy định rõ ràng việc có cho phép cổ phiếu UPCoM giao dịch ký quỹ hay không. Cụ thể, quy định mới không còn ghi đích danh chứng khoán UPCoM không thuộc diện được giao dịch ký quỹ, nhưng đối tượng cho phép vẫn chỉ là chứng khoán của các tổ chức niêm yết.

Với việc các văn bản quy định chưa nhất quán hiện nay, các CTCK vẫn “đóng cửa” margin cho sàn UPCoM, ngay cả với những mã có chất lượng như niêm yết.

Nếu mở dòng margin cho UPCoM, thì sao?

Trước khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến thị trường đã cho rằng, “cần cởi bỏ nút thắt margin cho các cổ phiếu trên sàn UPCoM để thu hút nhà đầu tư, bởi thực tế, nhiều cổ phiếu trên UPCoM hiện có các chỉ tiêu tài chính rất tốt”. Tuy nhiên, nếu được cho phép, hiệu quả của hoạt động này vẫn là một dấu hỏi lớn.

Về lý thuyết, cho phép giao dịch ký quỹ sẽ tạo thêm cơ hội với nhà đầu tư với cơ chế giao dịch thoáng hơn, qua đó giúp cải thiện thanh khoản cho UPCoM. Tuy nhiên, với các CTCK, có lý do khiến bộ phận quản trị rủi ro của khối này phải tính toán kỹ càng.

Trên thực tế, với hàng loạt “ông lớn” đã và sắp gia nhập sàn UPCoM, chất lượng “hàng hóa” UPCoM đã được cải thiện rất nhiều so với giai đoạn trước, nhưng thanh khoản trên sàn này vẫn quá èo uột. Trong khi đó, do thực tế phần lớn các giao dịch margin là phục vụ các mã lướt sóng, nên thanh khoản mới là yếu tố được CTCK soi kỹ nhất khi lập ra danh mục cổ phiếu cho phép margin.

Theo lãnh đạo một CTCK thuộc Top 10 thị phần môi giới UPCoM, tiêu chí quan trọng nhất để xét cho vay margin chính là yếu tố thanh khoản, sau đó mới đến các chỉ tiêu tài chính khác. Tại công ty này, khi xem xét việc đưa một cổ phiếu vào diện cho vay margin, cổ phiếu phải đạt thanh khoản trung bình 50.000 đơn vị khớp lệnh mỗi phiên trong vòng 2 tháng gần nhất, mức độ cho vay cũng tăng dần theo thanh khoản cổ phiếu. Vị này đánh giá, mức độ này là trung bình so với các công ty khác trên thị trường.

Tạm lấy mốc 50.000 đơn vị khớp lệnh/phiên là mức tối thiểu để được xét margin, trên sàn UPCoM hiện nay, số lượng doanh nghiệp từng chạm được khối lượng này/phiên là không nhiều, chưa kể việc duy trì ổn định trong 2 tháng.

Nhìn từ bảng UPCoM Premium - các cổ phiếu chất lượng cao trên UPCoM, tại phiên ngày 5/10/2016, số mã có khớp lệnh trong phiên từ 50.000 đơn vị trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay như SWC, GEX, MSR, TOP, SD3… Đây cũng là những cổ phiếu có thanh khoản ổn định và chiềm phần lớn giao dịch toàn thị trường UPCoM.

Mục tiêu cải thiện thanh khoản cho UPCoM cần sự tác động nhiều chiều. Cho vay margin giúp cải thiện thanh khoản, tuy nhiên nghiệp vụ này chỉ được các CTCK quan tâm triển khai nếu thanh khoản trên UPCoM ở mức cao. Trong bài toán tưởng chừng ngược nhau này, sẽ chỉ có rất ít mã lớn trên UPCoM có thể đáp ứng được. Quy chế mới nếu có mở đường cho dòng margin vào UPCoM thì tác động cũng khó đạt được trong thời gian ngắn. Giải pháp nào để thúc đẩy sự sôi động của sàn UPCoM vẫn là một bài toán khó giải.

Đột ngột hạ margin, công ty chứng khoán có phạm luật?
Rất khó để phân định trách nhiệm trong câu chuyện CTCK hạ tỷ lệ đánh giá giao dịch ký quỹ (margin), bởi CTCK có lý do riêng để tiến hành điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư