Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chưa dịch chuyển mạnh lao động trong AEC
Hải Hà - 09/08/2017 09:35
 
Việc tận dụng cơ hội việc làm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chưa được các nước nội khối chú ý tới. Muốn tận dụng cơ hội này, lao động Việt Nam cần được đầu tư chiến lược và bài bản hơn. Ông Simon Matthews, CEO Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông trao đổi về vấn đề này.
.
Ông Simon Matthews, CEO Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông

AEC được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường lao động rộng lớn, với nhiều cơ hội để lao động có tay nghề được tự do dịch chuyển trong các quốc gia ASEAN. Theo ông, đã có sự thay đổi nào trong dịch chuyển lao động nội khối chưa?

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tham gia AEC có thể giúp tạo ra 14 triệu việc làm cho Việt Nam và ASEAN đến năm 2025. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt nào trong dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Theo khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Việt Nam chỉ có 134 kỹ sư và 10 kiến trúc sư (Theo Brain Networks ASEAN 2017, ADB) được công nhận là kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN, thuộc diện “đủ điều kiện” làm việc tại nước bạn. Con số này quá khiêm tốn và chưa đủ để tạo ra sự dịch chuyển lao động đáng kể. Tiến trình này sẽ là lâu dài và cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng thuận của các Chính phủ và cả doanh nghiệp các quốc gia nội khối.

Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) đã xác lập quyền tự do lựa chọn nơi làm việc sao cho lao động của một nước có thể dễ dàng tìm được việc làm trong các nước thành viên khác. Tuy nhiên, ASEAN vẫn chưa đạt được sự liên kết cao như vậy, thưa ông?

AEC mới thông qua thỏa thuận dịch chuyển tự do cho lao động có trình độ cao trong 8 ngành nghề. Mỗi ngành nghề lại có những thỏa thuận, tiến độ thực thi và những điều kiện ràng buộc khác nhau, gây ra nhiều hạn chế trong dịch chuyển lao động nội khối. Khi không có một thước đo chung, lao động sẽ gặp vô số rào cản liên quan đến các vấn đề về nhập cư, sự bảo hộ lao động trong nước của quốc gia sở tại, hay rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống giáo dục và bằng cấp chứng chỉ.

Chừng nào AEC chưa xây dựng được một khung đánh giá tiêu chuẩn thống nhất cũng như thực thi các MRA (thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau) một cách sâu rộng và tuyệt đối, thì cánh cửa hội nhập thị trường lao động đầy tiềm năng của ASEAN vẫn còn bỏ ngỏ.

Các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài trong khối AEC đánh giá người lao động Việt Nam trên những tiêu chí nào? Dựa theo những tiêu chí đó, ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trong khối AEC?

Tôi cho rằng, trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm (đặc biệt là khả năng ngoại ngữ) và ý thức là những điểm lao động Việt Nam cần lưu ý khi xin việc ở công ty nước ngoài.

Theo xếp hạng Đánh giá chỉ số xếp loại lao động (CWI) do ManpowerGroup tiến hành trên 75 quốc gia năm 2016, lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 45/75 về năng suất lao động, 47/75 về chấp hành kỷ luật lao động và chi phí lao động xếp hạng 7/75. Con số này cho thấy, lao động Việt Nam đang có chi phí cạnh tranh nhưng năng suất thấp. 

Đã đến lúc lao động Việt Nam cần trau dồi các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ. Để làm được điều này, Chính phủ, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần xây dựng những chương trình đào tạo và tái đào tạo kỹ năng cho người lao động, cũng như ý thức nâng cao khả năng học tập suốt đời để giúp họ tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên 4.0.

Đào tạo và giáo dục là hai giải pháp cốt lõi được nhắc tới trong nghiên cứu “Cuộc cách mạng kỹ năng” và báo cáo “Khả năng học hỏi” mà ManpowerGroup giới thiệu trong Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos tháng 1/2017, nhận được sự đồng tình sâu sắc của nhiều chuyên gia quốc tế.

AEC và chiến lược “ghi dấu ấn tại chỗ” của bán lẻ Việt
Trong bức tranh 50 năm của ASEAN, Việt Nam đang nổi lên là một ngôi sao sáng, với nhiều dư địa màu mỡ để các tên tuổi bán lẻ trong khối nhắm tới....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư