Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Con đường di động của Thế giới di động
Hồng Phúc - 18/02/2018 14:53
 
Thế giới Di động khởi đầu bán điện thoại, rồi đến điện máy, mới đây là bán thuốc, đang mở rộng cửa hàng bán rau, dưa, thịt cá... Chắc sẽ còn bán nhiều sản phẩm nữa, để Thế giới Di động đạt được mục tiêu là trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành.
TIN LIÊN QUAN

Đánh chiếm thị phần

Ông Trần Kinh Doanh mở đầu buổi nói chuyện bằng khẳng định: “Chỉ khi Bách hóa Xanh thành công, sứ mệnh đa ngành của Thế giới Di động mới kết thúc”.

Nói như thế có nghĩa, cuộc trường chinh đánh chiếm thị phần bên cạnh các lĩnh vực hiện hữu là điện thoại, điện máy, dược phẩm, thực phẩm chưa kết thúc. Dù vậy, bài toán khó giải nhất vẫn nằm ở chuỗi Bách hóa Xanh.

.
.

Ông Doanh là lãnh đạo rất quan trọng tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG, sàn HOSE). Ông vừa là đại diện pháp luật, vừa là Tổng giám đốc cũng như chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của chuỗi Bách hóa Xanh. Hiện, ông còn kiêm vị trí Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TGA) khi MWG quyết chi 824 tỷ đồng để nắm 100% cổ phần Công ty này.

“Có làm Chủ tịch Trần Anh hay không cũng không nhiều khác biệt”, ông Doanh nói khi được hỏi về “chức vụ mới”. Hàm ý của người đang nắm hồn cốt của Bách hóa Xanh khá rõ rằng, ở Thế giới di động, dù ai làm “sếp”, mục tiêu duy nhất luôn phải nắm chắc, đó là tăng thị phần qua việc phát triển tại thị trường chưa có nhiều sự hiện diện.

Soi vào các thương vụ M&A của Thế giới di động, đích nhắm đến mục tiêu sở hữu toàn phần rất rõ nét, như cách đã làm với Trần Anh hay chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang.

“Chúng tôi tìm đến Trần Anh để thương lượng, do gặp khó khăn khi chinh phục thị trường Hà Nội, nên quyết định mua Trần Anh. Về giá trị, không thể nói ai hơn ai, chúng tôi hay Trần Anh, vấn đề là chúng tôi đều tìm thấy lợi ích trong thương vụ này”, ông Doanh nói và tiết lộ chỉ mất nửa năm để hoàn thành thương vụ trên.

Khi chưa thuộc về Thế giới di động, Trần Anh dẫn đầu thị phần điện máy tại miền Bắc với trên 40 cửa hàng, một nửa hiện diện tại Hà Nội.

Trong khi đó, Điện máy xanh có hơn 400 cửa hàng trên cả nước. Một phần tư trong đó rải rác tại nhiều tỉnh khu vực miền Bắc, nhưng Hà Nội “là nơi khó chen vào”, song lại vô cùng hấp dẫn – theo cách ông Doanh nói.

Hơn thế, tiềm năng tăng trưởng thị trường điện máy sẽ vẫn ở mức trung bình 15-30%/năm (tùy nhóm hàng), nên Thế giới di động quyết định không tiếc tiền.

Sau thương vụ thâu tóm Trần Anh, nếu tính riêng từng mặt hàng như Tivi, Thế giới di động đang chi phối 30-35% thị phần, theo sau đó là máy lạnh, máy giặt với 25%. Còn toàn ngành điện máy, họ nắm khoảng 30%.

.
.

Với con số ấy, mục tiêu mà Thế giới di động đặt cho việc M&A với Trần Anh là phát triển thị phần sẽ hoàn thành.

Cho tới thời điểm này, toàn bộ thủ tục hành chính của thương vụ đã hoàn thành. Thế giới di động đang bắt tay hiện thực hóa những mục tiêu nhắm vào 52% thị phần đang trong tay những cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống. Việc đổi tên các cửa hàng mang thương hiệu thành Điện máy Xanh đang được cân nhắc.

“Khả năng lớn sẽ đổi trong thời gian tới, vì chi phí phát triển thương hiệu Điện máy xanh là quá lớn”, ông Doanh nói.

Trong vai Chủ tịch HĐQT của Trần Anh, ông Doanh tới đây chắc sẽ rất bận rộn, mặc dù ông nói, theo báo cáo tài chính, khi ấy Trần Anh không có lời, chứ không phải thua lỗ.

Khi chưa về “một nhà” với Thế giới di động, hoạt động kinh doanh của Trần Anh không mấy khả quan. MWG sẽ phải bơm tiền và dành nhiều thời gian để vực dậy hệ thống.

Trong năm nay, Thế giới di động đặt kỳ vọng tăng doanh thu từng cửa hàng. Thứ nhất, lấy quy mô giảm giá đầu vào, nghĩa là mua số lượng lớn để giảm giá mua vào cho chuỗi.  Thứ hai, 50% tổng số lượng cửa hàng mang thương hiệu Trần Anh sẽ đóng cửa và giảm diện tích. Theo chia sẻ của ông Doanh, doanh thu từ siêu thị Điện máy Xanh với 700 m2 có thể bằng với cửa hàng mang diện tích gấp đôi của Trần Anh.

Hiện, trung bình mỗi cửa hàng của Trần Anh mang lại từ 6 -15 tỷ đồng/tháng. Trong khi, Điện máy Xanh có hai diện tích khác nhau, với 600 m2-1.000 m2 thu về 15-20 tỷ đồng/tháng và cửa hàng ở nông thôn khoảng 350m2 đạt 3-5 tỷ đồng/tháng.

“Chúng tôi đang chuẩn bị một đội ngũ từ Nam ra Bắc để thực hiện kế hoạch. Khối nhân sự hỗ trợ kinh doanh của Trần Anh có thể không được dùng nhiều, bởi không hoạt động hiệu quả. Nhân lực của Điện máy Xanh và Thế giới di động sẽ tràn vào thế chân”, ông Doanh chia sẻ các dự liệu.

Trong tháng đầu năm, doanh thu từ chuỗi điện máy đã “vượt mặt” chuỗi điện thoại là Thegioididong.com. Trong kế hoạch doanh thu gần 4 tỷ USD (trên 86.000 tỷ đồng) năm 2018 của Thế giới di động, phần lớn đến từ nhóm điện máy, cùng mức tăng trưởng chung của thị trường là 30%/năm.

Ông Doanh tiết lộ với phóng viên Báo Đầu tư, vì mục tiêu gia tăng thị phần mảng điện máy tại miền Bắc, Thế giới di động sẽ tiếp tục M&A một thương hiệu nữa mà có thể lúc này, họ đã chọn được.

Bán lẻ mọi thứ

Trong tính toán của ông Doanh, không có giới hạn ngành hàng nào với Thế giới di động, điều họ quan tâm duy nhất là quy mô thị trường phải đủ lớn và có tiềm năng.

Ông Doanh muốn nhắc chuỗi bán lẻ dược phẩm, dù trách nhiệm về mảng kinh doanh này toàn quyền của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động. Ông Tài từng chia sẻ lý do chen chân vào lĩnh vực mới tinh này là vì chưa thấy chuỗi bán lẻ dược phẩm nào chiếm được 20% thị phần, cũng như chi phí sử dụng thuốc bình quân đầu người tăng đều đặn khoảng 10%/năm (theo thống kê của Bộ Y tế). Chủ tịch Thế giới di động cũng từng nói, sẽ chi khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của một chuỗi bán lẻ sẵn có và dần nâng lên 60%.

Nhưng sự thật, họ đã chi phối hoàn toàn chuỗi Phúc An Khang, dù giá trị thương vụ không được công bố, để mở khoảng 60 cửa hàng thuốc mang thương hiệu An Khang trong năm nay.

Còn mảng có biên lợi nhuận gộp cao hơn cả điện máy, điện thoại hay dược phẩm, ở mức 16% là thực phẩm, mà Thế giới di động đang kinh doanh với chuỗi Bách hóa Xanh. Ông Doanh gọi đây là tỷ lệ “không có đối thủ”.

Trao đổi ngắn với ông Trần Kinh Doanh

10 năm gắn bó với Thế giới di động, ông tự đánh giá vai trò của mình như thế nào trong bộ máy?

Tôi cho rằng đã làm những công việc hiệu quả. Tổ chức cũng nhìn nhận, tôi mang lại các giá trị đáng kể.

Thế giới di động có chọn M&A là chiến lược để hoàn thành mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD đến năm 2020?

M&A là một trong những chiến lược, cũng mới được tính tới trong vòng 2 năm gần đây. Năm 2017, chúng tôi có 2 thương vụ khá tốt. Trung bình, MWG tăng trưởng 50%/năm, nhưng chủ yếu vẫn những mô hình tự chúng tôi tạo ra.

Ông muốn chia sẻ gì sau các thương vụ M&A vừa rồi?

Trong quá trình chuyển giao, làm sao để giữ việc kinh doanh phải được vận hành ổn định, không mất khách hàng là quan trọng.

Trong quá trình hoàn thành việc mua lại, Trần Anh ngưng mua hàng, để thiếu hàng trên kệ. Điều đó đáng trách. Không thể để người mua hàng bị ảnh hưởng bởi bất cứ lý do gì. Chúng tôi xác định phải phục vụ khách hàng đàng hoàng và tử tế.

Cụ thể, hai nhóm sản phẩm chính được chuỗi bày bán là các mặt hàng đồ khô như dầu ăn, mắm, muối, sữa... biên lợi nhuận có thể đạt từ 15-20%, trong khi các loại tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây... là trên 30%.

Nhưng, theo ông Doanh,  phải mất 1-2 năm nữa, Bách hóa Xanh mới đạt đến điều kiện lý tưởng trong kinh doanh ngành này, là phải trở nên quen thuộc để khách hàng đến thường xuyên. Đây là điều mà ông đang cần phải đạt được nhanh.

“Nếu Bách hóa Xanh thành công, thì sứ mệnh đa ngành của Thế giới di động mới kết thúc, nghĩa là phải bán từ cái điện thoại, tủ lạnh, tivi rồi kiêm luôn cả bó rau, con cá. Nếu làm xong cả hai mục tiêu ấy thì sau này bán gì cũng được”, ông Doanh chia sẻ.

Được biết, trong năm 2018 sẽ có khoảng 1.500 cửa hàng Bách hóa Xanh với doanh thu hiện tại từ 500 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng/cửa hàng mỗi tháng, tùy vị trí. Các mặt hàng tươi sống đang mang lại hơn 40% tổng doanh thu với 280 cửa hàng hiện có, để tiêu thụ 70 tấn sản phẩm/ngày và tỷ lệ hao hụt từ 2-3%.

“Tháng 12/2017, doanh thu của Bách hóa Xanh đã đạt trên 200 tỷ đồng, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mở thêm 1.000 cửa hàng trong năm nay cũng không khó khăn, vì chuỗi thegioididong.com và dienmayxanh.com đã làm được”, ông Trần Kinh Doanh kỳ vọng.

Rõ ràng, nếu quy mô thị trường dược phẩm khoảng 4,7 triệu USD khiến MWG phải để tâm như một phép cộng vào kế hoạch doanh thu 10 tỷ USD của Công ty đến năm 2020, thì mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng Bách hóa Xanh, chiếm 10% thị phần, lại là nguồn đóng góp chính vào tham vọng ấy.

Cũng không thể bỏ qua, có 2 mục tiêu lớn mà Thế giới di động phải chinh phục trong thời gian dài gồm Bách hóa Xanh và thương mại điện tử với trang vuivui.com.

Con đường hướng đến bán mọi sản phẩm trong các ngành mà Công ty đang kinh doanh đang định hình dần...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư