Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dệt may, da giày Hoa Kỳ tìm cơ hội tại Việt Nam
Hồng Sơn - 11/11/2017 08:51
 
Trong bối cảnh không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày của Hoa Kỳ đang tự tìm cơ hội riêng tại thị trường Việt Nam.

Dồn dập đến Việt Nam

Cuối tháng 10, Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã tổ chức chuỗi các hoạt động tại TP.HCM, trong đó có hội thảo quốc tế về an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ.

Trong khuôn khổ chương trình, ông Nate Herman, Phó giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng của AAFA đã chia sẻ thực tế bất hợp lý đòi hỏi các bên liên quan phải ngồi lại để tìm tiếng nói chung. Cụ thể, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 30,16 tỷ USD, chiếm 1,99% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước này. Tuy nhiên, cùng thời gian này, hàng hóa Việt Nam phải chịu trên 2,2 tỷ USD tiền thuế và Việt Nam xếp thứ 2 trong tốp 15 quốc gia đóng thuế nhập khẩu hàng hóa cao nhất vào Hoa Kỳ.

.
Nhập khẩu hàng may mặc vào Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 8,74%, giày dép tăng 11,83% trong 12 tháng qua

Đáng chú ý, có những dòng hàng của Việt Nam bị đánh thuế trên 30%, dệt may bị đánh thuế trung bình 17%... Điều này cho thấy, sản phẩm và hàng hóa từ Việt Nam đang bị mất lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với hàng hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, vì mức thuế quá cao.

“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh, dù không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do nào”, ông Nate Herman nói và nhìn nhận, các sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cho dù không có TTP.

Theo đại diện của AAFA, nhập khẩu hàng may mặc vào Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 8,74%, giày dép tăng 11,83% trong 12 tháng qua và Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường này, sau Trung Quốc. Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Hoa Kỳ nhận thấy các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam. Đây cũng chính là lý do mà AAFA và các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam.

Trước chuỗi hoạt động của AAFA chừng 1 tháng, Hiệp hội Bông Hoa Kỳ đã phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sự kiện Cotton Day 2017 và trao giấy chứng nhận cho 12 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã sử dụng nhiều bông từ Hoa Kỳ. Các hoạt động này nhằm kết nối doanh nghiệp ngành dệt may tại Việt Nam với các đối tác, các nhà cung cấp và những chuyên gia trong ngành bông của Hoa Kỳ.

Cơ hội tăng đầu tư, mở rộng hoạt động

Ông Ryan Cabrera Tuazon, Giám đốc khu vực của Tập đoàn Hanes Brands (Hoa Kỳ) cho biết, sau 10 năm có mặt  tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư của tập đoàn này khoảng 55 triệu USD, với 3 nhà máy tại Thừa Thiên Huế và Hưng Yên. Năng lực sản xuất của HanesBrands Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% tổng năng suất trên toàn cầu của Tập đoàn.

Dù không có TPP thì vẫn có những cơ hội khác rộng mở cho dệt may, da giày Việt Nam, như Hiệp định RCEP, EVFTA...

“Việt Nam được xác định là cứ điểm sản xuất của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á, trong đó nhà máy tại Huế được đầu tư công nghệ, thiết bị sản xuất thuộc loại hiện đại nhất”, ông Ryan Cabrera Tuazon nói.

Ông Jon Fee, cố vấn cấp cao của Alston & Bird LLP cho rằng, dù không có TPP thì vẫn có những cơ hội khác rộng mở cho dệt may, da giày Việt Nam. Theo đó, những chương trình mà doanh nghiệp cần quan tâm như: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), sáng kiến “Vành đai và con đường” BRI, chiến lược hợp tác Việt - Trung (Hai hành lang và một vành đai kinh tế)…

Theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sắp tới sẽ gặp khó khăn do Hoa Kỳ thắt chặt các quy định, quy chuẩn về an toàn các sản phẩm nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may, da giày của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trước bối cảnh của sự phân tán, phức tạp và toàn cầu của chuỗi cung ứng hàng may mặc và giày dép, thì ngoài việc tăng đầu tư, mở rộng hoạt động, cần coi trọng an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ.

“Hoạt động đánh giá tuân thủ xã hội ngày một quan trọng với vai trò công cụ bảo vệ rất thực tế trước các thách thức đối với chuỗi cung ứng, trở thành khía cạnh quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng”, đại diện AAFA khuyến cáo các doanh nghiệp.

Dệt may kéo vốn từ Đan Mạch
Cùng với việc khai trương nhà máy mới, Spectre Việt Nam đã có kế hoạch mở rộng đầu tư nhà máy để tối ưu hóa các cơ hội kinh doanh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư