Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dòng chảy thương mại khu vực và toàn cầu suy giảm, trừ Việt Nam
Linh An - 08/10/2015 08:47
 
Việt Nam đang là một ngoại lệ tích cực - Theo Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tuần này.
TIN LIÊN QUAN

Trong buổi công bố báo cáo trên, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã nhấn mạnh điểm đặc biệt này trong bức tranh kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương nửa đầu năm 2015.

“Tăng trưởng suy giảm tại Malaysia, tại Indonesia. Tăng trưởng có tăng tại Thái Lan, nhưng thấp hơn mức dự tính, song lại tăng mạnh tại Việt Nam và thấp hơn chút ít tại Philippines. Dòng chảy thương mại khu vực và toàn cầu cũng suy giảm, trừ Việt Nam”, ông Sudhir Shetty nói.

Cụ thể, sự hồi phục của Việt Nam được xác định là do tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Cả hai khu vực này đóng góp gần một nửa tổng tăng trưởng GDP. Đầu tư (do nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tăng mạnh) và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh đã kéo theo tăng trưởng.

.

Đặc biệt, các chuyên gia WB ghi nhận diễn biến tích cực từ việc cắt giảm lãi suất được hỗ trợ bởi các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng, trong đó có nới lỏng giới hạn tiền gửi ngắn hạn và giảm rủi ro đối với một số hoạt động cho vay. Qua đó, các ngân hàng đã có thể duy trì một mức lãi suất cho vay thấp hơn trước đây.

Đây là lý do khiến WB nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,2% trong năm nay, thay vì 6,0% như lần công bố trước. Năm 2016, mức này là 6,3%.

Trong buổi công bố Báo cáo, vài giờ trước khi thông tin về việc chính thức kết thúc đàm phán TPP được đưa ra, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng đã nhắc tới “sự kiện lớn của Việt Nam” khi Việt Nam sẽ tham gia nhóm được tính là đóng góp tới 40% GDP của thế giới.

“Việt Nam sẽ là một phần của 40% này và đó là cơ hội cho Việt Nam. Cho dù những cam kết cụ thể chưa được công bố, thì khả năng dòng vốn FDI và thị trường rộng mở là những cơ hội nhìn thấy được của Việt Nam. Tất nhiên, cơ hội này sẽ đi kèm với yêu cầu về việc Việt Nam giải quyết được các thách thức của mình”, ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.

Chính các thách thức đó cũng khiến các chuyên gia WB gắn viễn cảnh trung hạn tích cực của Việt Nam với các khuyến nghị thận trọng. Đặc biệt, tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước được coi là nguyên do chính cản trở tốc độ hồi phục của Việt Nam.

“Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích độc lập đều nhất trí rằng, đẩy nhanh tái cơ cấu thì mới có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% và thực hiện tham vọng trở thành một nước hiện đại, công nghiệp hóa của Việt Nam”, báo cáo của WB viết.

Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan cũng cho rằng, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không nên quá cứng nhắc với các hạn định cụ thể. “Quan trọng vẫn là chất lượng của các đợt thoái vốn, cổ phần hóa, chứ không phải đến ngày này thì làm được bao nhiêu. Chính vì vậy, đi cùng với nỗ lực đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, thì cần thực hiện tốt các công cụ bổ trợ như công khai thông tin, giám sát thực hiện, cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả việc lựa chọn người đại diện chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp cũng phải công khai và thể hiện rõ trách nhiệm giải trình”, ông Sandeep Mahajan phân tích.

Cũng phải nói thêm, khi trao đổi về động lực tăng trưởng trong vài năm tới của Việt Nam để có được tốc độ tăng trưởng GDP như kỳ vọng, ông Sandeep Mahajan tiếp tục nhấn mạnh tới sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.

“Việt Nam cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khóa trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. Đây là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin của khu vực tư nhân”, ông nói.

Điều quan trọng, sự cải thiện này cũng sẽ tạo điều kiện để tăng năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong dài hạn, yếu tố mà theo ông Sudhir Shetty, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tận dụng tốt được các cú huých từ TPP.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư