Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dự án Đường nối Hương lộ 10 tỉnh Đồng Nai: Sẽ bố trí vốn để tránh nợ đọng
Ngọc Tuấn - 12/07/2016 08:53
 
Sau khi Báo Đầu tư đăng tải bài viết đề cập những nghi ngại thiếu vốn thực hiện Gói thầu số 05, Dự án Xây dựng mới tuyến đường nối Hương lộ 10 đoạn từ ranh giới 2 huyện Cẩm Mỹ và Long Thành đến vị trí giao với đường tỉnh lộ 769, ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai khẳng định, sẽ điều chỉnh vốn cho dự án để tránh nợ đọng.
TIN LIÊN QUAN

Nhu cầu cấp bách không thể chờ vốn Trung ương

Ông Cao Tiến Dũng cho biết, Hương lộ 10 được đầu tư mới là tuyến đường được hình thành trên nền đường hiện hữu do người dân đã khai thác và sử dụng trong nhiều năm, đầu tuyến là điểm giao với Quốc lộ 56 trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và cuối tuyến là điểm giao với Tỉnh lộ 769 (ĐT 25A) kết nối ra Quốc lộ 51 trên địa bàn huyện Long Thành.

Ảnh hưởng từ chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch giao thông của tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy hoạch mới sẽ điều chỉnh 3 dự án: Dự án thứ nhất là đường Hương lộ 10 đoạn từ trung tâm huyện Cẩm Mỹ đến ranh giới giữa 2 huyện Cẩm Mỹ và Long Thành; Dự án thứ hai là đường Hương lộ 10 từ ranh giới 2 huyện Cẩm Mỹ và Long Thành đến vị trí giao với đường tỉnh lộ 769; Dự án thứ  ba là đường Hương lộ 10 đoạn Km13+650,15 - Km19+040.

Gói thầu phân đoạn Km11+646 đến Km13+569,7 dùng vốn ngân sách địa phương đã được triển khai thi công. Ảnh: Ngọc Tuấn
Gói thầu phân đoạn Km11+646 đến Km13+569,7 dùng vốn ngân sách địa phương đã được triển khai thi công. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo ông Dũng, đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án thứ nhất và thứ ba nêu trên góp phần tăng lưu lượng giao thông trên tuyến. Bên cạnh đó, để tránh công trường nâng cấp quốc lộ 1A nên tuyến xe đã thực hiện lộ trình đi vào Quốc lộ 56, thông qua Hương lộ 10 để ra Quốc lộ 51 và đi vào TP.HCM. Việc này đã làm gia tăng lưu lượng xe dẫn tới đoạn từ Km11+646 đến Km13+552,7 thuộc dự án thứ hai chưa được đầu tư đồng bộ xuống cấp và không đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến. Do vậy, tỉnh Đồng Nai quyết định sớm đầu tư đoạn này.

“Do nhu cầu cấp bách tỉnh Đồng Nai đã chủ động quyết định phân tách hồ sơ dự án để thi công trước phân đoạn Km11+646 - Km13+569,7. Chúng tôi chủ động bố trí trước vốn địa phương làm ngay để đảm bảo giao thông, bởi nếu chờ ngân sách Trung ương thì không đáp ứng kịp nhu cầu đi lại gia tăng, xóa điểm đen giao thông trên địa bàn”, ông Dũng nói.

Sẽ điều chỉnh kế hoạch vốn

Như đã thông tin, Dự án đường nối Hương lộ 10 được tỉnh Đồng Nai quyết định phê duyệt đầu tư từ năm 2011. Đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện trình duyệt chủ trương đầu tư và Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư thông qua nội dung hồ sơ dự án, đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng thống nhất chủ trương đầu tư và đăng ký hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đăng ký danh mục các dự án hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án từ nguồn nói trên. Sau đề nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai xác định, đây là dự án nhóm B và thuộc đối tượng được hỗ trợ của ngân sách từ Chương trình Hỗ trợ có mục tiêu. Theo đó, Bộ đề nghị tỉnh Đồng Nai chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án, đề xuất khởi công phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quyết định đầu tư (Quyết định 510/QĐ-UBND ngày 19/2/2016), với tổng mức đầu tư phê duyệt là 357 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 280 tỷ đồng, phần vốn còn lại sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Đáng chú ý, quyết định mới này thay thế quyết định đầu tư dự án được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào năm 2011. Tuy nhiên, trước đó, đề xuất dùng ngân sách địa phương triển khai trước phân đoạn Km11+646  - Km13+569,7 đã được HĐND tỉnh Đồng Nai chấp thuận vào tháng 11/2015. Ngay khi được chấp thuận, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch khởi công phân đoạn nói trên và giao vốn chuyển tiếp cho dự án theo chấp thuận của HĐND. Sau đó, phân đoạn trên được ngân sách tỉnh chỉ bố trí số vốn 8 tỷ đồng cho năm 2016 tại Thông báo số 935/TB-SKHĐT do Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Với những diễn biến trên, nghi ngại về khả năng cân đối đủ nguồn vốn thực hiện phân đoạn Km11+646  - Km13+569,7 là hoàn toàn có cơ sở, khi phân đoạn này được quyết định đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và có tổng mức đầu tư như hợp đồng đã ký với nhà thầu lên tới 30,7 tỷ đồng, trong khi theo kế hoạch thì tỉnh Đồng Nai chỉ bố trí vốn 8 tỷ đồng. Mặt khác, phân đoạn này có thời gian thi công là 180 ngày, kể từ ngày 12/4/2016. Theo điểm d, Điều 7, Luật Đấu thầu 2013 quy định thì, “nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện gói thầu”.

Tại điểm 3, Điều 64 cũng quy định, “chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán, mặt bằng thực hiện và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ”. Cần lưu ý rằng, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn là một hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Trước những thắc mắc trên của phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Tiến Dũng khẳng định, việc giao chỉ tiêu kế hoạch khởi công phân đoạn trên được căn cứ vào quyết định đầu tư đã được phê duyệt, ý kiến thống nhất của Hội đồng Thẩm định chủ trương đầu tư, ý kiến của thường trực HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư và bố trí vốn từ ngân sách tỉnh là phù hợp với các quy định hiện hành. “Đây là dự án nhóm B, theo Luật Đầu tư công sẽ được bố trí vốn trong vòng 5 năm. Địa phương sẽ chủ động điều chỉnh”, ông Dũng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư