Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dung hòa lợi ích khi tăng lương
Nguyên Đức - 29/08/2015 14:14
 
Khi các cuộc đàm phán về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chưa tìm được tiếng nói chung, càng đòi hỏi việc tăng lương phải được xem xét một cách cẩn trọng, dựa trên một cái nhìn toàn cục và hài hòa lợi ích các bên, bao gồm cả lợi ích của đất nước.

Thực ra, không khó hiểu về sự mâu thuẫn giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp. Tổng liên đoàn có lý của mình khi đề xuất mức tăng lương tới 16,8%, bởi muốn đẩy nhanh tiến độ tăng lương tối thiểu nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động. Tương tự, các hiệp hội doanh nghiệp chỉ muốn mức tăng 6-7% là bởi một khi lương tăng quá cao, sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và khả năng tồn tại của họ.

Hai cuộc đàm phán đã diễn ra và thất bại. Cuộc họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra vào ngày 3/9 tới, nhưng cũng sẽ khó có điểm dừng nếu như cả hai bên không dung hòa được lợi ích và đứng trên quan điểm toàn cục để tìm tiếng nói chung.           

.
Việc tăng lương là cần thiết để đảm bảo nhu cầu sống cho người lao động

Ở đây, cần khẳng định một điều rằng, tăng lương là cần thiết để đảm bảo nhu cầu sống cho người lao động. Nhưng tăng thế nào, tăng bao nhiêu lại là một câu chuyện khác.

Lương tăng quá thấp, người lao động không đủ sống, thì cũng ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người lao động. Nhưng lương tăng quá cao sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp, tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Thậm chí, ở tầm nhìn vĩ mô hơn, chuyện tăng lương cũng tác động đến năng lực cạnh tranh của quốc gia, chuyện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyện giải quyết việc làm cho người lao động…

Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo gần đây đã khuyến cáo rằng, nếu Việt Nam tăng lương tối thiểu thì sẽ giảm tăng việc làm. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhiều lần lên tiếng về tốc độ tăng lương quá nhanh của Việt Nam. Thực tế, Trung Quốc đang mất dần lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài chỉ vì chi phí lương cho người lao động đang ở mức cao.

Vấn đề còn nằm ở chỗ, dù kinh tế đang có xu hướng phục hồi nhưng thách thức, rủi ro vẫn còn rất lớn. Những biến động trong hệ thống ngân hàng, trên thị trường ngoại tệ và chứng khoán, những tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, hay chuyện giá dầu giảm sốc… thời gian gần đây sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, vốn đã và đang gặp khó khăn, hệ thống doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn.

Lương tăng, chi phí sản xuất tăng thì sẽ làm khó doanh nghiệp. Nguy cơ thu hẹp sản xuất là có thật và nếu thế, sẽ có không ít người lao động mất việc làm.

Câu hỏi đặt ra, tăng lương ở mức bao nhiêu là hợp lý, 16,8% theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hay 6-7% trên đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp. Mức tăng 9-10% do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị cũng là một con số cần được xem xét thỏa đáng.

Tăng thấp thì người lao động thiệt, lại không khuyến khích được tăng năng suất lao động. Nhưng tăng quá cao, lại trở thành bài toán lợi bất cập hại.

Bởi thế, dù tăng lương là cần thiết, song cần tính toán một cách khoa học, dựa trên diễn biến thực tế về lạm phát, về tốc độ tăng năng suất lao động, dựa trên một cái nhìn toàn cục về sự hài hòa lợi ích của các bên, thậm chí là lợi ích quốc gia và năng lực cạnh tranh quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần nhìn trên lợi ích của riêng người lao động hay của riêng doanh nghiệp.

Tăng lương tối thiểu 2016 bao nhiêu là hợp lý?
Hôm qua (25/8), Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia kết thúc nhưng không tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư