Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Hải Dương: 5-6 ngày sự cố điện một lần, doanh nghiệp làm ăn thế nào?
Thu Lê - 22/05/2015 15:54
 
UBDN tỉnh Hải Dương vừa có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động thường niên của tỉnh Hải Dương nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Chủ động đối thoại

Tại cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh với lãnh đạo cơ quan quản lý khối kinh tế, tài chính để bàn giải pháp trong điều hành cách đây một tuần, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu phải sớm tổ chức Hội nghị gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp. Và cuộc đối thoại diễn ra vào chiều 21/5, dù không có sự chuẩn bị trước ở khâu tập hợp các yêu cầu, kiến nghị, thắc của doanh nghiệp.

 

Có đại diện 120 doanh nghiệp (70 doanh nghiệp trong nước và 50 doanh nghiệp FDI), cùng đại diện của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh tham gia “hỏi - đáp”. Ông Hiển bày tỏ sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh khi yêu cầu phía doanh nghiệp cần thẳng thắn, có trách nhiệm khi nêu vấn đề, cũng như khi bàn luận, phản biện. Rất nhiều vấn đề nóng, gây khó khăn cho doanh nghiệp lâu nay đã được nêu ra cụ thể, có dẫn chứng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thuế, BHXH, quy định về trả lương, các thủ tục để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hạch toán chi phí cho công tác đào tạo phòng cháy chữa cháy, chất lượng nguồn điện, …

Trong đó, điều khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc nhất có lẽ chính là chất lượng điện phục vụ sản xuất. Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thay mặt nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình trạng mất điện liên tục. Trong đó, riêng Công ty Trúc Thôn, năm 2014, mất điện 63 lần, sụt áp 50 lần. Còn từ đầu năm 2015 đến tháng 5/2015 thì mất điện 11 lần, sụt áp 7 lần. “Như vậy tính trung bình, năm 2014, cứ 5-6 ngày thì có sự cố điện một lần. Còn năm 2015 thì trung bình 14 ngày lại có một sự cố”, Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ trình bày. Đại diện của Công ty TNHH Hitachi Cable VN phản ánh, năm 2014 Công ty cũng bị mất điện đến 13 lần, trong đó 7 lần được báo trước. Tuy nhiên, việc mất điện như vậy đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của Công ty. Công ty TNHH Điện tử UMC cũng có chung những vướng mắc về nội dung này.

Nhiều vấn đề mới cũng được đặt ra trong hội nghị này, như việc trả lương cho người lao động phải thực hiện ngay trong tháng (theo quy định của Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động). Theo đại diện Công ty TNHH Mascot, điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Bởi muốn trả lương, doanh nghiệp phải chấm công đến hết tháng, sau đó tính các khoản lương thưởng, phụ cấp, trợ cấp liên quan và làm các thủ tục để thanh toán lương. Như thế, doanh nghiệp rất khó thanh toán lương cho người lao động ngay trong tháng.

Bên cạnh đó, các quy định về chi trả tiền cho người lao động khi nghỉ ốm, nghỉ chế độ thai sản; tạm ứng tiền từ cơ quan bảo hiểm khi số tiền vượt quá ngân quỹ 2%...cũng khó thực hiện trong thực tế, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ như Công ty Mascot.

Vẫn đề cũ… nhưng chưa được tháo gỡ

Ngoài một số vấn đề mới được nêu, nhiều vấn đề được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần và kéo dài trong nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điển hình là vụ việc của Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương. Đại diện của công ty cho biết: “Cty được cổ phần hóa từ năm 2004. Theo quy định, thì công ty trả lại khu tập thể cũ cho tỉnh, nên sau cổ phần hóa, chúng tôi đã làm tất cả các thủ tục cần thiết để trả cho tỉnh. Nhưng 11 năm nay, tỉnh vẫn chưa nhận lại. Hiện tại, khu tập thể này đã xuống cấp, gây nguy hiểm cho các hộ dân đang sinh sống. Mặt khác, hàng năm công ty vẫn phải đóng tiền thuế đất hơn 90 triệu, mà không được thu lại từ các hộ dân đang sinh sống”.

Ngay cả vấn đề về xác định lý lịch tư pháp cho người lao động nước ngoài, hay vấn đề xuất hóa đơn để doanh nghiệp hạch toán chi phí đào tạo phòng cháy chữa cháy vẫn tiếp tục được doanh nghiệp thắc mắc trong hội nghị lần này. Đây là những vấn đề đã được nêu tại những buổi đối thoại với doanh nghiệp từ năm 2014.

Lãnh đạo của 9 cơ quan (Thuế, Tài nguyên Môi tường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Công an, Kế hoạch Đầu tư, Tư pháp, Ban quản lý các KCN, Điện lực) lần lượt trả lời các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Hiển tỏ ra kiên quyết yêu cầu các đơn vị liên quan như Thuế, Công an, Lãnh đạo UBND TP Hải Dương, ngành Điện phải giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp trong năm nay, không được để tồn đọng, kéo dài sang năm sau.

“Phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn nhà đầu tư mới vào Hải Dương thì bản thân các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bản tỉnh phải hoạt động tốt đã. Như thế mới tạo sự lan tỏa tích cực”, ông Hiển nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hải Dương yêu cầu, lãnh đạo các sở ban ngành phải đăng hộp thư cá nhân của mình lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các doanh nghiệp có thể trực tiếp gửi các kiến nghị, yêu cầu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng gửi địa chỉ hộp thư của công ty, để các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh gửi các văn bản, các quy định pháp luật mới, liên quan tới cho doanh nghiệp.

Tuy năm 2014, chỉ số PCI của Hải Dương đã tăng 10 bậc so với năm 2013, nhưng những chỉ số quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư như tính minh bạch (tăng 1,19), gia nhập thị trường (tăng 0,53), tiếp cận đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,26), chi phí không chính thức, thì lại tăng rất chậm hoặc không có sự thay đổi tích cực. Do đó, để PCI Hải Dương năm 2015 có những thay đổi mạnh và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Hải Dương, thì không chỉ là đối thoại thẳng thắn, chính quyền Hải Dương cần phải có những hành động, quyết sách quyết liệt hơn nữa. Có như vậy, mới tạo được niềm tin trong công đồng doanh nghiệp, cũng như đổi mới hơn cung cách làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước.

Xây dựng Khu hành chính tỉnh Hải Dương theo hình thức BT
 Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư