Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Israel sẽ có đột phá
Thanh Tùng - 11/05/2018 13:27
 
Sau khi tham dự Triển lãm và Hội nghị nông nghiệp quốc tế (Agritech 2018) lần thứ 20 vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Tel Aviv (Israel), ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel?

Có thể nói rằng, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel rất tốt đẹp. Nền nông nghiệp hai nước có nhiều điểm bổ trợ nhau. 

Israel có nền nông nghiệp hiện đại và sáng tạo, với nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện khí hậu ở Israel vô cùng khắc nghiệt, như hạn hán quanh năm, thiếu nước trầm trọng và tỷ lệ sa mạc hóa rất cao. Israel đã làm được sự thần kỳ về nông nghiệp trong toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, như sản xuất giống, các quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, kỹ thuật tưới tiêu, chế biến và bảo quản sản phẩm.

.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong khi đó, nền nông nghiệp Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng phát triển, đã đáp ứng rất tốt nhu cầu nông sản trong nước và đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản rất lớn (năm 2017 đạt gần 36,4 tỷ USD). Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang có một số hạn chế, như sản xuất dựa chủ yếu vào diện tích và sức người, trong khi nhu cầu thế giới đòi hỏi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và chất lượng tốt hơn. 

Giữa hai nước đã có nhiều dự án hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp, như TH true Milk và Vineco. Nhiều dự án của Việt Nam đã và đang ứng dụng công nghệ cao của Israel. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Israel cũng đã và đang hoạt động rất thành công ở Việt Nam trong các lĩnh vực tưới tiêu và giống, như Hasfarm Đà Lạt và NaanDanJain.

Trong bối cảnh mới, khi hai nước đang đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và phát triển nông nghiệp, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Chính phủ Việt Nam được ban hành.

Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel sẽ có những đột phá, đặc biệt khi rất nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào nông nghiệp. Điều này sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một nền nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp lan tỏa đến người nông dân.

Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng nhiều bộ, ngành khác cũng sẽ có thêm chính sách và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Israel, nhằm hỗ trợ sự hợp tác của các doanh nghiệp hai bên.

Thứ trưởng vừa tham dự Agritech 2018, đã gặp các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Israel. Quan điểm của họ về hợp tác nông nghiệp với Việt Nam như thế nào?

Trong sự kiện này, tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Cơ quan Hợp tác phát triển (Mashav) của Israel nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Chúng tôi cũng đã đến thăm một loạt cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp hàng đầu về giống, tưới tiêu và quản lý nước, phát triển nông nghiệp trên sa mạc. Nhiều doanh nghiệp và các địa phương hai bên đã kết nối được với nhau. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, hợp tác nông nghiệp giữa hai nước sẽ có chuyển biến mạnh mẽ.

Ông có thấy rào cản nào trong việc áp dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam không, vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về vốn và kỹ năng?

Vẫn còn những hạn chế từ phía doanh nghiệp và nông dân Việt Nam trong việc tiếp cận những công nghệ cao như vậy. Tuy nhiên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là bước đột phá trong chính sách nông nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ còn có chính sách ưu đãi vay vốn trong nông nghiệp. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị về quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. 

Tôi tin rằng, những chính sách như vậy cũng sẽ giúp tạo ra những đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Israel hiện nay là tấm gương điển hình của thế giới về phát triển công nghệ cao. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ Israel trong việc xây dựng chính sách nông nghiệp công nghệ cao, thưa ông?

Có nhiều điều chúng ta phải học hỏi. Chẳng hạn, chúng ta phải có các chính sách hỗ trợ cho đổi mới, sáng tạo, để các doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới, đổi mới và sáng tạo, có thể thu được những kết quả từ việc đẩy mạnh đầu tư và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Ký thỏa thuận hợp tác nông nghiệp với tỉnh Ibaraki, Nhật Bản
Ngày đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản (16/3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm tỉnh Ibaraki và chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư