Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Khai mạc Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế lần thứ VIII tại Hải Phòng
Thanh Sơn - 22/11/2017 20:27
 
Hôm nay (22/11), tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế lần thứ VIII giữa 5 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).
TIN LIÊN QUAN

Theo đó, chủ đề của hội nghị lần này là “Thúc đẩy hợp tác, cùng nhau phát triển”. Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế lần thứ VIII có hơn 200 đại biểu tham dự để tập trung đánh giá tình hình triển khai những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội dung Biên bản hợp tác Hội nghị hành lang kinh tế lần thứ VII. Đồng thời, thống nhất các nội dung hợp tác hiệu quả và thiết thực, đề ra những hướng đi cụ thể, các giải pháp phù hợp để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố; xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành hình mẫu hợp tác hiệu quả trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc.

.
.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố là một trong những sáng kiến nhằm tạo tiền đề và cơ sở cho các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác đa dạng và phong phú giữa các địa phương liên quan nói riêng và hai nước nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Hội nghị tập trung bàn về các nội dung: Kết nối giao thông vận tải và hợp tác phát triển logistics; Hợp tác thương mại, đầu tư; Hợp tác về du lịch, giáo dục, y tế; Hợp tác về tiền tệ và nghiệp vụ bảo hiểm. Đồng thời, hội nghị sẽ chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp,hiệp hội của Việt Nam và Trung Quốc, về lĩnh vực tài chính tiền tệ, thương mại điện tử và du lịch. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất của thành phố Hải Phòng và Vân Nam Trung Quốc đó là: đường bay kết nối giữa Hải Phòng với thành phố Côn Minh và có tuyến tầu hỏa cao tốc Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai và Côn Minh.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và ông Hồng Tiêu Dũng, Đại sứ Trung Quốc cùng đánh giá cao vai trò quan trọng của thành phố Hải Phòng, đơn vị chủ nhà tổ chức lần này và khẳng định Hội nghị là cơ hội tốt khai thác hiệu quả các lợi thế, liên kết, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương trong phát triển kinh tế, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế lần thứ VII được tổ chức tại Thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hội nghị đã đi sâu thảo luận và trao đổi ý kiến rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa 5 tỉnh, thành phố của hai nước trên các lĩnh vực, giao lưu trao đổi đoàn, kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giáo dục, du lịch và đẩy nhanh việc xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Theo đánh giá, về lĩnh vực kết nối giao thông trong thời gian qua, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường - cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai tạo ra tuyến đường cao tốc xuyên suốt từ Lào Cai đến cảng cửa ngõ Hải Phòng, rút ngắn thời gian hành trình xuống còn hơn 6 giờ.

    Thời gian tới, khi tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long hoàn thành vào đầu năm 2018, sẽ kết nối liên hoàn toàn tuyến đường bộ cao tốc xuyên suốt từ Côn Minh (Vân Nam) tới Hạ Long (Quảng Ninh), tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải hàng hoá và du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đang lập quy hoạch tuyến đường sắt (khổ tiêu chuẩn) Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đang triển khai đàm phán với phía Trung Quốc về phương án kết nối đường ray giữa Ga Lào Cai và Ga Bắc Hà Khẩu.

Các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế thường xuyên hợp tác thương mại, đầu tư đặc biệt, hai tỉnh Lào Cai, Vân Nam luân phiên tổ chức thành công Hội chợ Thương mại biên giới Việt - Trung tại Lào Cai và Hà Khẩu để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hoá. Các doanh nghiệp Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai) đã tham gia các Hội chợ quốc tế tại Trung Quốc như: Hội chợ Thương mại biên giới Việt-Trung được phối hợp tổ chức luân phiên giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam; Hội chợ Thương mại, Hội chợ Trung Quốc - Nam Á...

Ngoài ra, về lĩnh vực giáo dục, y tế, các trường Đại học và cơ sở giáo dục của 3 tỉnh, thành phố, gồm Lào Cai, Hải Phòng, Vân Nam tiếp tục duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Các trường cũng luân phiên tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao giữa học sinh, sinh viên của hai bên, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa các địa phương, kết nối, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, mô hình hợp tác du lịch “hai Quốc gia một điểm đến”. Nâng cao chất lượng, số lượng các tour du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả (thông qua hợp tác song phương và đa phương thúc đẩy mở thêm tuyến du lịch cho khách Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại bằng đường sắt, đường bộ và đường hàng không).

Trong lĩnh vực hợp tác về tiền tệ và nghiệp vụ bảo hiểm, đến nay, đã có 8/11 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai ký kết thỏa thuận thanh toán biên mậu với 6 ngân hàng thương mại và hợp tác xã tín dụng của tỉnh Vân Nam. Hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội luôn quan tâm hợp tác đa phương, coi trọng hợp tác song phương, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế, đồng thời mở ra hợp tác sâu rộng với từng tỉnh, thành phố để cùng phát triển. Việc thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc là một trong những sáng kiến tạo tiền đề và cơ sở cho các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác đa dạng và phong phú giữa các địa phương liên quan nói riêng và hai nước nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, tỉnh Quảng Ninh có nhiều ưu thế trong hợp tác phát triển với các địa phương thành viên và luôn quan tâm đến các nội dung hợp tác tại diễn đàn. Tuy nhiên, do Quảng Ninh và Vân Nam nằm ở hai cực của Hành lang kinh tế, khoảng cách xa đã ảnh hưởng đáng kể đến hợp tác giữa doanh nghiệp Quảng Ninh và Vân Nam, các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai tỉnh chưa được khai thác thực sự có hiệu quả, tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc nhưng chưa có doanh nghiệp nào từ Vân Nam hợp tác hoặc đầu tư vào Quảng Ninh.

Ngoài ra, tỉnh luôn quan tâm đến các nội dung hợp tác giữa Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam trong khuôn khổ Hợp tác hành lang kinh tế. Tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh trong hành lang kinh tế có nhiều ưu thế trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch dịch vụ, nông nghiêp, y tế giáo dục và văn hoá. Vân Nam là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, thuỷ, hải sản của Việt Nam. Ngoài ra, dựa trên phân tích tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh, các lĩnh vực Quảng Ninh có thể hợp tác với Vân Nam trải dài trên nhiều lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp...

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ VIII sẽ kết thúc vào ngày 24/11/2017. Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế lần thứ IX sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh vào năm 2019.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư