Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kiên Giang tiếp tục vươn ra biển lớn
Huy Thịnh - 26/04/2015 10:47
 
Cách đây hơn 10 năm, Dự án Khu lấn biển 420 ha ở TP. Rạch Giá ra đời làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị của thành phố trẻ này. Vào ngày 28/4/2015, Kiên Giang khởi công Dự án Lấn biển Tây Bắc Rạch Giá với quy mô gần 100 ha, tiếp tục khẳng định bước đột phá trong phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang.

“Dời non lấp biển”

Với nhiều nhánh sông và biển bao bọc xung quanh, TP. Rạch Giá là đầu mối giao thông quan trọng của Kiên Giang với nhiều tỉnh, thành phố và các đảo ở khu vực biển Tây. Nhận thấy vị trí đắc địa này, cách đây trên 10 năm, ông Lâm Chí Việt, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khi đó đã có ý tưởng táo bạo là mở rộng

TP. Rạch Giá về hướng biển. Ý tưởng này được Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC) hưởng ứng và hiện thực hoá thành công bằng Dự án Khu lấn biển 420 ha ở  TP. Rạch Giá. 

Phối cảnh Dự án Lấn biển Tây Bắc Rạch Giá
Phối cảnh Dự án Lấn biển Tây Bắc Rạch Giá

 

Đây là khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, hướng ra vịnh Thái Lan (lấn trên 500 m) và chạy dài trên 7 km, mở rộng TP. Rạch Giá (tăng thêm 2 phường mới). Dự án được coi là công trình độc đáo, đầy sáng tạo của Kiên Giang, bởi đây là lần đầu tiên trong cả nước, có một dự án “dời non lấp biển” để xây dựng một khu đô thị quy mô lớn, tạo ra quỹ đất rộng 420 ha, bố trí chỗ ở cho 64.000 dân. Hơn nữa, Dự án lại được thực hiện chủ yếu theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng.

Dự án Khu lấn biển Rạch Giá do UBND tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư có tổng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng (thực hiện trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2005), sau đó đã thu hồi vốn và tạo ra nhiều quỹ đất công để bố trí nhiều công trình công ích như hiện nay.

Khu lấn biển Rạch Giá càng sôi động hơn, khi dự án của Tập đoàn Phú Cường được khởi động vào đầu năm 2010. Đó là Khu đô thị phức hợp Phú Cường được đầu tư xây dựng ngay trên phần đất lấn biển Rạch Giá (khu 4-5) rộng 146,68 ha, với tổng vốn dự kiến là 11.500 tỷ đồng. Đến nay, khoảng 2/3 diện tích dự án, với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, như hệ thống cáp ngầm các loại, khu phố dân cư khang trang, công viên bờ biển thoáng mát... đã được đưa vào sử dụng. Dự án góp phần tạo ra cảnh quan hài hoà, văn minh, hiện đại của thành phố biển Rạch Giá.

Ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CIC cho biết, tiếp nối thành công trên, việc đầu tư xây dựng thêm khu lấn biển 100 ha Tây Bắc TP. Rạch Giá (tiếp giáp 2 phường Vĩnh Quang và Vĩnh Thanh) xuất phát từ lợi thế đổi đất lấy hạ tầng, mà không phải đền bù.

“Chúng tôi rút kinh nghiệm là không dùng vật liệu đất bùn từ lớp mặt đáy biển gần đó để bơm lên san lấp mặt bằng. Thay vào đó, chúng tôi khoan hút lớp sỏi cứng ở độ sâu khoảng 10 m dưới đáy biển gần khu dự án để san lấp mặt bằng. Việc khai thác và sử dụng vật liệu sỏi này chi phí tốn kém gấp đôi so với bơm đất bùn như trước đây, nhưng lại rút ngắn thời gian chờ lún do bơm bùn gấp 10 lần. Thực tế là, bơm đất bùn phải mất gần 10 năm mới ổn định độ nén, còn bơm sỏi thì chỉ cần một năm là ổn định độ nén chặt và xây nhà không cần đúc mâm bê tông mặt nền như khu lấn biển trước đây”, ông Thắng chia sẻ.

Mạnh dạn đầu tư

Ông Thắng cho biết thêm, với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn, thiết kế, thi công hàng chục dự án công trình lớn của tỉnh, đặc biệt đã từng làm tư vấn thiết kế thi công Dự án Khu lấn biển 420 ha đầu tiên, cuối năm 2013, CIC đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin phép UBND tỉnh được làm chủ đầu tư Dự án Lấn biển Tây Bắc Rạch Giá với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.340 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án trong 10 năm (2015 - 2024), trong đó thời gian thi công 5 năm.

“Lợi thế của dự án là nằm ngay cửa sông Kiên đổ ra biển và tiếp giáp trên bờ là khu đô thị hiện hữu TP. Rạch Giá. Dự án có chiều dài đê bao phía biển 2,1 km và chiều rộng lấn ra biển 450 m. Từ đó, sẽ hình thành khu lấn biển chạy dọc theo vịnh biển Rạch Giá liên tục khoảng 7 km từ khu lấn biển 420 ha (hướng Rạch Sỏi) đến khu lấn biển 16 ha cũ và kết nối thông suốt với khu lấn biển phía Tây Bắc mới này. Điều thuận lợi nữa là, nguồn vật liệu san lấp là đất sỏi dưới đáy biển có sẵn gần dự án, vì đây là vịnh biển bồi rất nhanh”, ông Thắng nói.

Tuy sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhưng chủ đầu tư dự án chỉ được phép khai thác đất ở có diện tích 40,3 ha, tương đương 40% diện tích (3.610 lô nền nhà) và 10,2% khu thương mại dịch vụ trong toàn bộ dự án. Diện tích còn lại dành tối đa cho công viên, giao thông, trường học, quỹ đất công và những công trình tiện ích xã hội khác. Điều đáng nói là, trong số 40,3 ha đất ở, CIC chỉ được khai thác kinh doanh nhà ở thương mại 20 ha (1.782 lô nền), hơn 50% số diện tích đất ở phi lợi nhuận này sẽ bàn giao cho UBND TP. Rạch Giá để bố trí tái định cư cho những dự án giải toả bờ kênh, chỉnh trang đô thị…

Với những công trình lấn biển có quy mô lớn phát triển đô thị, TP. Rạch Giá đã và đang mở ra thế đột phá trong việc thu hút đầu tư khai thác tiềm năng vị trí từ biển. Tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục vươn ra biển lớn để làm giàu cho quê hương, đất nước từ lợi thế kinh tế biển một cách tiêu biểu cho cả vùng biển phía Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư