Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đối thoại với doanh nghiệp: Khi lãnh đạo lắng nghe những lời không dễ nghe
Khánh An - 30/12/2016 16:54
 
Khoảng 300 doanh nghiệp đã có mặt tại Hội nghị chuyên đề Chính phủ kiến tạo – nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh mới và Đối thoại doanh nghiệp lần hai năm 2016.
.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên tại Đối thoại doanh nghiệp lần hai năm 2016

Những lời không dễ nghe

Cả ngày làm việc cuối năm 2016, 30/12/2016, những người đứng đầu tỉnh Điện Biên đều có mặt tại Cuộc đối thoại lần thứ hai. Cả Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đều có mặt.  

Có lẽ điểm đặc biệt với nhiều cuộc đối thoại trước, đó là điều họ nghe không chỉ là các ý kiến từ các doanh nghiệp có mặt.

53% doanh nghiệp Điện Biên than phiền có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được do thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu. Trong số lý do cụ thể khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, 30% doanh nghiệp cho biết không được cán bộ hướng đầy đủ.

72% doanh nghiệp phải chi các chi phí chính thức. 69% doanh nghiệp cho biết là nhũng nhiễu là phổ biến.

53% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh.

89% doanh nghiệp cho rằng cần có mối “quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh.

Năm 2015, chỉ có khoảng 45% doanh nghiệp Điện Biên nghĩ tới việc mở rộng kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới. Mức này dù tăng mạnh so với năm 2012 (29%), nhưng lại giảm khá nhiều so với tỷ lệ 84% vào năm 2006.

Những thông tin này đã được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) bóc tách từ chính kết quả khảo sát doanh nghiệp Điện Biên trong Nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, được công bố đầu năm nay. Điện Biên đang đứng 53 trong số 63 tỉnh thành trong Bảng xếp hạng PCI 2015.

“Cách đây vài năm, PCI đã từng gửi thư khảo sát doanh nghiệp với những phong bì ấn tượng, nhưng phát hiện có sự can thiệp vào câu trả lời của doanh nghiệp, nên chúng tôi đã buộc phải giữ bí mật. Cả thời gian khảo sát của PCI cũng không được công bố”, ông Đậu Anh Tuấn giải thích với Hội nghị như muốn minh chứng rằng, những kết quả khảo sát là khách quan.

Rõ ràng, bức tranh khách quan về môi trường kinh doanh, về hành vi của giới công chức Điện Biên không hẳn dễ nghe với không chỉ những người đứng đầu tỉnh Điện Biên, mà còn cả những công chức các sở, ban, ngành có mặt.

Những cam kết không dễ thực hiện

Nhưng cuộc đối thoại kéo dài cả ngày đã không có thái độ “về chiều” như với nhiều Hội nghị khác.  Sự kiến nhẫn của các doanh nghiệp và cả các vị lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho thấy, họ đang muốn thay đổi.

Phát biểu với các doanh nghiệp, ông Trần Văn Sơn, Bí thư tỉnh ủy đã đưa ra khá nhiều cam  kết. Đó là tiếp tục triển khai Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được phê duyệt, để cải thiện nâng cao tất cả các chỉ số, cần tập trung đặc biệt vào những chỉ số mà tỉnh được đánh giá thấp trong những năm gần đây, như chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính năng động và chỉ số cạnh tranh bình đẳng.

Đó là nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong quá trình tiếp nhận đăng ký đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính, giao đất cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, ông cũng cam kết sẽ bám sát tiến độ thực hiện các dự án để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc đồng thời cũng có thái độ rõ ràng, kiên quyết thu hồi đối với những dự án đăng ký nhằm để giữ chỗ, chuyển nhượng kiếm lời, cố tình chậm trễ trong việc triển khai thực hiện.

Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội cho các doanh nghiệp làm thật sẽ tăng lên, song công việc mà các sở ban ngành Điện Biên phải làm sẽ tăng lên rất nhiều.

Nếu nhìn cả vào cam kết cụ thể mà ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh công bố tại cuộc Đối thoại, sức ép với chính quyền Địa Biên còn lớn hơn. Đó là đơn giản thủ tục và phấn đấu rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn 2,5 ngày làm việc, giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trường đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)...; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày, sau năm 20202 xuống còn 70 ngày...; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 10 ngày...

Ngay trong cuộc đối thoại, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Anh cũng đề nghị, mong rút ngắn khoảng thời gian từ lời nói, đến hành động, từ văn bản đến thực thi.

Hay ông Nguyễn Nhật Hà, Giám đốc Công ty tư vấn Hà Anh muốn chính quyền kiến tạo, để môi trường kinh doanh của Điện Biên không thể cứ đứng ở cuối bảng.

Cơ hội cho doanh nghiệp tại Điện Biên

87 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư 16.182 tỷ đồng trong năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn tư nhân sẽ khoảng 15.630 tỷ đồng là cơ hội đã được xác định cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành, cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Nhưng, đó không phải là giới hạn cứng về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Điện Biên.

Ngay trong cam kết của Điện Biên về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà tỉnh đã ký với VCCI theo yêu cầu của Nghị quyết 35/201/NQ-CP vào tháng 9/2016 vừa rồi, điều đầu tiên được nhắc tới là tỉnh sẽ tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí; thành lập và công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, có thể thấy, mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Điện Biên của lãnh đạo tỉnh Điện Biên khá rõ.

Cũng phải nhắc lại, trong cuộc đối thoại lần đầu năm 2016 vào tháng 5, đã có 41 kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp được gửi trực tiếp tại Hội nghị. Nhiều trong số đó đã được giải quyết, nhưng số chưa cũng có, và cũng đã được chỉ đích danh (là Sở Thông tin và Truyền thông và Thành phố Điện Biên) tại cuộc đối thoại lần này.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBDN tỉnh khi đối thoại với doanh nghiệp cũng đã nói, tỉnh cần các ý kiến thực sự của doanh nghiệp để biết cần phải làm những gì. 

Khi chính quyền địa phương đang muốn thay đổi, đang hành động theo hướng thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, cơ hội của những doanh nghiệp làm thật, có năng lực cạnh tranh thực sự sẽ đến.

Tất nhiên, điều này cũng sẽ gây thêm áp lực cho cả doanh nghiệp Điện Biên hiện tại, đòi hỏi các doanh nghiệp này cũng phải thay đổi.

PCI không còn là cuộc đua thứ hạng
Mối quan tâm trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 đã chuyển từ thứ hạng sang chất lượng thực sự của bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư