Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Lãnh đạo TP.HCM nghe 300 doanh nhân trẻ hiến kế phát triển
Gia Huy - 20/07/2016 07:09
 
Ngày 19.7, tai TP.HCM. 300 doanh nhân trẻ của Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA-HCM) và thanh niên khởi nghiệp tại TP.HCM đã có buổi gặp mặt đối thoại cùng lãnh đạo UBND TP.HCM. Cũng tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến hiến kế phát triển thành phố cũng được các doanh nhân trẻ đưa ra.
TIN LIÊN QUAN

Trong lần gặp gỡ thường kỳ này, YBA-HCM đã đưa ra những ý kiến và giải pháp có giá trị từ các doanh nghiệp hội viên gửi tới UBND TP.HCM và các sở ngành. Trong đó những giải pháp được các doanh nhân trẻ đưa ra chủ yếu vào 4 vấn đề chính là giải pháp phát triển 4 nhóm ngành công nghệ trọng yếu của thành phố, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố và phát triển kênh phân phối, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội địa và quốc tế.

Ông Nguyễn Trung Phong, Chủ tịch YBA-HCM cho rằng TP.HCM chúng ta đang là tâm điểm của nền kinh tế Việt Nam và đang chuyển mình phát triển mạnh, nhiều thương hiệu doanh nghiệp lớn đã xuất phát phát triển từ TP.HCM. Sáu tháng đầu năm 2016 theo cục thống kê ghi nhận 16.844 doanh nghiệp mới được thành lập, với số vốn đăng ký 144,568 tỷ đồng, tăng 18,2 % về số lượng và 54,8%về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm năm trước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố luôn ủng hộ doanh nghiệp phát triển. Ảnh Gia Huy
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố luôn ủng hộ doanh nghiệp phát triển. Ảnh Gia Huy

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng số lượng doanh nhân trên thành phố còn khiêm tốn so với các thành phố trong khu vực, còn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực phát triển và tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Khuyến khích các doanh nhân phát biểu đóng góp ý kiến phát triển thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết các doanh nghiệp cần gì, đang khó khăn gì và thấy thành phố cần phải phát triển như thế nào cho đúng hướng thì cứ nói thẳng để lãnh đạo thành phố hỗ trợ giúp đỡ để tới năm 2020 thành phố có thể đạt được 500.000 doanh nghiệp.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc BSSC cho rằng để phát triển khơi nguồn cho doanh nhân trẻ khởi nghiệp thì vấn đề đầu tiên thành phố cần mở cửa cho việc thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh hơn nữa. Các thủ tục liên quan đến thành lập công ty phát triển về công nghệ thông tin, giới công nghệ khoa học cao thành phố cần có chính sách đặc thù cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhanh hơn chứ hiện nay đối với các ngành mũi nhọn này việc đăng ký kinh doanh vẫn rất chậm.

Ngoài ra bà Phi cũng cho rằng việc thiếu cơ sở pháp lý đang là vấn đề nhức nhối của các bạn trẻ khởi nghiệp, thành phố cần có ngay một ban hỗ trợ pháp lý cho các bạn khởi nghiệp, đồng thời liên kết với các sở ngành giải thích về pháp lý nhanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với cơ chế tiếp xúc với doanh nghiệp khởi nghiệp thì ngoài lãnh đạo thành phố tiếp xúc cũng cần có sự tiếp xúc của các sở ngành đối với các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp để được các doanh nghiệp khởi nghiệp nói ra được những khó khăn của mình trong vấn đề thủ tục liên quan đang bị vướng mắc và khó khăn.

Ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp tư vấn Đông A cho rằng thành phố muốn phát triển doanh nghiệp thì phải hướng cho các doanh nghiệp phát triển theo 3 tiêu chí như mới về sản phẩm, mới về mô hình và mới về tính bền vững. Đồng thời thành phố cần có sự tập trung phát triển những doanh nghiệp nào tạo ra năng suất lao động, sự cạnh tranh và bền vững để phát triển và đầu tư thì sẽ tạo được giá trị và ý nghĩa, giúp thành phố phát triển tốt hơn. Đồng thời thành phố cũng cần cải cách dịch vụ phục vụ về hạ tầng cho các khởi nghiệp thật tốt, nền tảng nhận thức phát triển doanh nghiệp, tính cạnh tranh lành mạnh.

Ông Dương Công Đức, đại diện một doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố cho rằng thành phố cần xác định tư tưởng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và xem đó là doanh nghiệp tất yếu cần hỗ trợ bởi doanh nghiệp nhỏ cũng đóng thuế và góp công sức phát triển đất nước rất lớn nhưng lại luôn bị gạt ra bên ngoài đối với những dự án lớn của thành phố khi kêu gọi đấu thầu xây dựng.

“Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa tiếp cận được nguồn vốn để phát triển doanh nghiệp, tại sao thành phố không xây dựng một gói tín dụng như gói tín dụng 30.000 tỷ của nhà nước đối với thị trường bất động sản và có cơ chế đặc thù bằng cách chỉ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng phát triển vay. Những ngành chủ lực, và có lợi thế của thành phố thì cần phải đầu tư để phát triển mạnh những doanh nghiệp chủ lực này”, ông Đức ý kiến.

Chị Lê Thị Bích Hoàng, Giám đốc Công ty đào tạo phong cách và kỹ năng cho biết công ty mình chuẩn bị đại diện khởi nghiệp tiêu biểu cho Việt Nam đi Bồ Đào Nha trình bầy về vấn đề khởi nghiệp hiện nay của Việt Nam và giới thiệu dự án khởi nghiệp của công ty mình. Tuy nhiên, chị Hoàng cho biết dù khởi nghiệp thành công tại TP.HCM lại không biết thành phố có hỗ trợ nào cho những công ty khởi nghiệp thành công hay không. Thay vào đó có những dự án khởi nghiệp hay của các bạn trẻ trong nước lại được nước ngoài lại hỗ trợ vốn rất nhiều khi họ nghe tới ý tưởng dự án khởi nghiệp đó. Trong khi thành phố lại không làm được điều đó.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của các doanh nhân trẻ bày tỏ những khó khăn, bức xúc và cả góp ý phát triển thành phố. Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ Tịch UBND TP.HCM cho biết khi coi thời sự thấy doanh nghiệp tại Singaphore đăng ký giấy phép kinh doanh chỉ có 3 ngày là xong, trong khi của thành phố là cả 1 tuần hoặc lâu hơn là hoàn toàn không ổn, như vậy góp ý của doanh nghiệp là đúng với thực tế của thành phố.

Đồng thời Phó chủ Tịch thành phố đã giao cho lãnh đạo các sở ngành phải giải quyết ngay vấn đề pháp lý, vấn đề đăng ký giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Đồng thời ông Liêm đã giao Sở Công thương nghiên cứu phát triển thêm về công nghiệp hỗ trợ của thành phố cũng như cần nghiên cứu gấp và báo cáo thành phố thành lập ngay trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Việc xúc tiến thương mại đầu tư cho doanh nghiệp cũng được ông Liêm giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại của thành phố nghiên cứu hướng phát triển theo sự đóng góp của các doanh nhân tại buổi gặp mặt. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc cấp giấy phép kinh doanh nhanh hơn cho các doanh nghiệp và báo cáo gấp cho UBND TP.HCM xem xét thực hiện hay phản hồi với doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng trong quá trình phát triển, xây dựng thành phố thì đội ngũ doanh nhân trẻ luôn là lực lượng năng động, sáng tạo, đi đầu trong phát triển kinh tế, hội nhập của thành phố đối với quốc tế. Lãnh đạo thành phố luôn trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ doanh nhân trẻ và tin tưởng đội ngũ doanh nhân trẻ của thành phố sẽ tiếp tục cùng lãnh đạo thành phố phát triển thành phố, xung kích trong mặt trận kinh tế và phát triển thành phố giầu và mạnh hơn nữa.

Để doanh nghiệp phát triển tốt, lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe và nghiên cứu để tạo môi trường tốt cho các doanh nhân trẻ phát triển. Tạo sân chơi tốt cho các doanh nghiệp phát triển cũng như đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới. Trong đó giải pháp lớn nhất hiện nay của thành phố là tạo ra môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư