Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
"M&A đang thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế"
Hữu Tuấn - 25/07/2016 09:47
 
Đó là nhận định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc Họp báo giới thiệu về "Diễn đàn M&A 2016: M&A trong không gian kinh tế mở" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM ngày 25/7 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc cuộc Họp báo, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc trên 1 tỷ USD thì năm 2015 tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc Họp báo sáng 25/7.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc Họp báo sáng 25/7.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Diễn đàn M&A 2016 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang một chu kỳ phát triển mới trong một không gian kinh tế mới, với những thuận lợi và thách thức đan xen.

Thứ nhất, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trong đó Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%/năm, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là năm mở đầu nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ mới.

Thứ hai, các chuyển động chính sách gần đây như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2015 bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực và hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này đã được trình Chính phủ ban hành đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Thứ ba, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang và sẽ diễn ra sâu rộng chưa từng có, với việc thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, không gian kinh tế của Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết. Không gian kinh tế mới này đang mở ra cơ hội mới, sân chơi mới cho cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, thiên tai, hạn hán liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi; sự cố gây ô nhiễm môi trường của Formosa tác động tiêu cực tới một số tỉnh miền Trung. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút vốn FDI tăng cao, nhưng tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm trước; một số khu vực như nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, nguy cơ lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước…

"Trong bối cảnh đó, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng các cơ hội được mở ra từ hội nhập quốc tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết đối với chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên", Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhận định.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM).

Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, các cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới này; Diễn đàn cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như: Ngân hàng, tài chính, thực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.

Ngoài Diễn đàn chính, Chương trình kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp, và các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…

Thông tin chi tiết tại: http://mavietnamforum.com/

Theo Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam, năm 2015  đánh dấu một mốc quan trọng khi Việt Nam có những bước tiến trong đàm phán TPP và AEC được hình thành. Một tầm nhìn mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư hoặc thực hiện M&A tại một quốc gia ASEAN, nhà đầu tư tiếp cận không chỉ một thị trường đơn lẻ, mà là một thị trường rộng lớn của hơn 600 triệu dân, với lực lượng lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh. Trong không gian kinh tế mở này, một cuộc đua mới đã bắt đầu.

Khi AEC được hình thành, ASEAN trở thành một khu vực kinh tế quan trọng và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN năm 2014 đạt 136,2 tỷ USD, đưa ASEAN thành khu vực tiếp nhận đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia đang phát triển. Ở phạm vi quốc gia và khu vực, các quốc gia sẽ phải cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI và M&A.

Còn theo số liệu của Thomson Reuters về thị trường M&A ASEAN năm 2014, quy mô các giao dịch trong khu vực đạt 140 tỷ USD, tăng 68% so với năm trước đó và là kỷ lục mới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo năm nay sẽ là một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu MAF dự báo, trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD, tức là xác lập kỷ lục mới. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện các thương vụ M&A tỷ USD, những thương vụ có tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.

Sẽ bùng nổ các thương vụ hợp nhất trong ngành xi măng
Ngành xi măng Việt Nam được dự báo dư nguồn cung trong vòng 10 năm tới, cộng với hoạt động phân tán, nhỏ lẻ là động lực thúc đẩy xu hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư