Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Minh bạch hóa công tác bảo trì đường thủy
Quang Toàn (BNEWS/TTXVN) - 04/05/2016 09:08
 
Dự kiến trong quý II, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia sẽ tổ chức đấu thầu bảo trì. Đây là một trong những giải pháp nhằm hướng tới sự minh bạch hóa các nguồn lực cho công tác bảo trì đường thủy.

Đây là một trong những giải pháp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện nhằm hướng tới sự minh bạch hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho công tác bảo trì đường thủy, qua đó thúc đẩy phát triển vận tải thủy, từng bước giảm tải cho đường bộ hiện nay.

Việc tổ chức đấu thầu bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia sẽ được chia làm hai hình thức: đấu thầu hạn chế và đấu thầu rộng rãi.

Từ năm nay, ngành đường thủy tổ chức thí điểm áp dụng phương thức đấu thầu hạn chế đối với dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng luồng tuyến trong thời gian ba năm (2016-2018) đối với 175 km lòng hồ thủy điện Sơn La, 131 km sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - Tây đến cảng Bến Kéo và 253 km sông Hồng từ Ba Lạt đến Việt Trì. Các tuyến còn lại được đấu thầu rộng rãi.

“Việc đấu thầu hạn chế đối với 3 tuyến đường thủy được thực hiện theo Quyết định số 47/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa. Đấu thầu hạn chế là chủ đầu tư có thể lựa chọn, mời một số nhà thầu mà chủ đầu tư thấy năng lực phù hợp. Còn đấu thầu rộng rãi sẽ không hạn chế số lượng nhà thầu. Khác với thời hạn đặt hàng cho các đơn vị quản lý bảo trì mỗi năm một lần, kỳ hạn của các gói thầu sẽ trong vòng 3 năm” – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang giải thích.

Ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam nhận định: Việc đấu thầu bảo trì đường thủy là cần thiết bởi nó sẽ mang lại sự minh bạch, hiệu quả kinh tế, từ đó tiết kiệm nguồn vốn Nhà nước và đặc biệt là đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp của ngành nỗ lực đổi mới nâng cao năng lực quản trị nhằm thích nghi với quy luật kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Phạm Minh Nghĩa cho rằng, công tác bảo trì trong lĩnh vực đường thủy cũng cần có lộ trình thích hợp, không nên áp dụng ồ ạt.

Cụ thể, hoạt động nạo vét có thể thực hiện được ngay và nên đấu thầu rộng rãi, nhưng công tác bảo trì, công tác quản lý luồng thì ở mức độ hạn chế.

So sánh về những ưu điểm khi áp dụng phương thức đấu thầu so với phương thức đặt hàng công tác bảo trì đường thủy trước đó, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho hay, mặc dù việc kiểm tra, kiểm soát, phê duyệt hoạt động bảo trì theo phương thức đặt hàng được Cục làm rất chặt chẽ nhưng vì mối quan hệ giữa Cục với các đơn vị bảo trì (trước đó là các Đoạn) có thể ví như “cha với con”, nên nhiều trường hợp vẫn có “kẽ hở”, có sự “du di” với nhau.

Ngoài ra, chính vì đặt hàng nên đơn vị trong ngành thường có tâm lý coi công việc đó là đương nhiên Cục sẽ dành cho đơn vị mình, nên không có tính chủ động, sáng tạo. Mặt khác, cơ chế đặt hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là từ việc phê duyệt.

“Còn phương thức đấu thầu sẽ rất khách quan, có một bên thứ ba là đơn vị tư vấn độc lập thực hiện các công việc từ thiết kế, thẩm tra độc lập, chủ đầu tư chỉ mang hồ sơ tư vấn về chào thầu. Hình thức này sẽ mở cơ hội cho nhiều đơn vị tham gia. Khi đó, các đơn vị sẽ phải cạnh tranh với nhau về chất lượng, kỹ thuật, giá cả, trang thiết bị máy móc, con người, làm sao để có được giá chào thầu tốt nhất so với các đơn vị khác…”- ông Hoàng Hồng Giang phân tích.

Kỳ vọng minh bạch trong đấu thầu bảo trì đường thủy. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN
Kỳ vọng minh bạch trong đấu thầu bảo trì đường thủy. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay toàn bộ 15 đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý bảo trì đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hoàn thành việc cổ phần hóa, đủ điều kiện để tham gia đấu thầu.

Trong số đó, 5 công ty đã cổ phần hóa từ năm 2005, đã tích lũy được kinh nghiệm hoạt động theo kinh tế thị trường.

Còn lại 10 công ty chuyển sang cổ phần từ tháng 4/2014 cơ bản ổn định, một số đơn vị đã bắt đầu mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Văn Khương, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 5 cho biết, việc đấu thầu là tất yếu phải thực hiện để đổi mới hiệu quả công tác quản lý bảo trì. Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế “kép” cho Nhà nước và cả doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trúng thầu sẽ khẳng định được khả năng kỹ thuật, nhân lực chứ không chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm của mình.

Mặt khác, việc đấu thầu có thời hạn từ ba năm trở lên sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật. Về phía Nhà nước sẽ tiết kiệm được ngân sách nhờ cơ chế minh bạch và giá thầu cạnh tranh.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 Cao Văn Định, mặc dù sẽ có những khó khăn do phải cạnh tranh nhiều hơn nhưng bản thân doanh nghiệp sẽ phải tìm tòi, đổi mới quản trị, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng suất lao động để có giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty mới chuyển sang cổ phần lại tỏ ra lo lắng vì mới chuyển đổi mô hình hoạt động theo kinh tế thị trường sẽ khó có thể đủ sức cạnh tranh với các công ty đã cổ phần hóa lâu năm cùng ngành cũng như các doanh nghiệp ngoài ngành.

Ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý bảo trì Đường thủy nội địa số 1 cho biết, doanh nghiệp mới hoạt động theo mô hình cổ phần chưa được một năm nên năng lực còn hạn chế.

Đến nay, đơn vị vẫn chưa mở rộng được sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, nếu không được tạo điều kiện thì sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm công việc cho người lao động.

Về những băn khoăn của doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, việc thực hiện đấu thầu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tuy nhiên Cục sẽ tính toán đưa tiêu chí kinh nghiệm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

PPP dự án nạo vét đường thủy đầu tiên
Tuyến vận tải sông Móng Cái từ Vạn Gia đến Ka Long được đề xuất cải tạo, nâng cấp theo mô hình đối tác công tư (PPP).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư