Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Những nguồn lực đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Thái Thụy (Thái Bình)
Với sức mạnh của công cuộc đổi mới, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn dân, trong nhiều năm qua, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, nhất là trên lĩnh vực thu hút đầu tư với những dự án lớn, tạo nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Những nguồn lực mới

Tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2010 - 2015) của Thái Thụy tăng 9,16%. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản giảm từ 44% xuống còn 37,3%; công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng từ 26,2% lên 35,5%; thương mại - dịch vụ giảm từ 29,8% xuống 27,2%. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 12.952,54 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,02%/năm; Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm đạt 4.340,4 tỷ đồng, tăng 2,73 lần, chi cho đầu tư phát triển 1.167,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,3% tổng chi ngân sách địa phương; năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng.

Dự án Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình, với tổng vốn đầu tư là 60.975 tỷ đồng, công suất 1.800MW dự kiến sẽ hoàn thành tổ máy số 1 vào quý IV/2017.
Dự án Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình, với tổng vốn đầu tư là 60.975 tỷ đồng, công suất 1.800MW dự kiến sẽ hoàn thành tổ máy số 1 vào quý IV/2017.

6 tháng đầu năm 2016 tổng giá trị sản xuất đạt 5.939,8 tỷ đồng, tăng 10,83% so với cùng kỳ; trong đó: nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.256,2 tỷ đồng, tăng 1,28%; CN, TTCN, XDCB đạt 1.901,6 tỷ đồng, tăng 28,07%; thương mại, dịch vụ  đạt 1.782 tỷ đồng, tăng 8,20%.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện ven biển. Có 28 “Cánh đồng mẫu”, diện tích 3.670 ha; cơ giới hóa thực hiện nhanh, khâu làm đất đạt 95%, cấy sạ hàng đạt 55%; năm 2015, diện tích lúa ngắn ngày đạt 99,3%, lúa chất lượng cao 28%; bình quân đạt trên 120 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.085 ha, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,36%/năm. Toàn huyện có 460 phương tiện khai thác biển, giải quyết việc làm cho 1.600 lao động, 100% hệ thống đê xung yếu, trực diện với biển được cứng hóa.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, xuất hiện những cách làm sáng tạo như xã Thụy Phúc, Thụy Văn, Thụy An… được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế chính sách chung trên phạm vi toàn tỉnh. Đã có 24 xã đạt nông thôn mới,  phấn đấu năm 2018 đạt huyện nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh, giá trị sản xuất bình quân 5 năm tăng 16,49%. Trong 5 năm, có 49 dự án được tỉnh, huyện tiếp nhận cho phép đầu tư, có 23 dự án  đi vào hoạt động, có nhiều dự án lớn như: Dự án Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình tổng vốn đầu tư 60.795 tỷ đồng (2,97 tỷ USD), Nhà máy Sản xuất Amon Nitrat gần 6.000 tỷ đồng (290 triệu USD), Nhà máy Đóng tàu Đại Dương được năng lực đóng mới và sửa chữa tàu đến 10.000 tấn, xây dựng kho xăng dầu18.000m3, Nhà máy Chế biến bột cá gần 200 tỷ đồng, Nhà máy Sản xuất giầy da xuất khẩu 150 tỷ đồng… 

Tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển với 5.200 cơ sở, tổ sản xuất, 28 làng nghề và 3 xã nghề, thu hút trên 18.000 lao động. Thương mại, dịch vụ với trên 300 doanh nghiệp, 3.500 hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đến năm 2015 đạt 2.834 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5 năm 15,4%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đã đạt 320.000 USD. Lĩnh vực vận tải biển với 150 doanh nghiệp, 300 phương tiện hoạt động trên các tuyến trong và ngoài nước.

Hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư, nâng cấp; quy hoạch xây dựng, mở rộng thị trấn Diêm Điền lên đô thị loại IV. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng cầu Diêm Điền, Trà Linh, Trà Giang, đường 39B...

Công tác quản lý môi trường có chuyển biến, 100% xã có tổ vệ sinh, 128 điểm thu gom rác thải, 16 xã có nước máy, 90% dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đã đặt ra : “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ,  đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế có tốc độ cao và bền vững, cơ cấu tiến bộ, lấy phát triển kinh tế biển là khâu đột phá và xây dựng nông thôn mới là mục tiêu phát triển, đưa Thái Thụy trở thành trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh; coi trọng phát triển văn hóa - xã hội và phát triển con người mới; Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và thị trấn Diêm Điền trở thành đô thị loại IV vào năm 2020”.

Trong giai đoạn tới,  trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Thái Thụy đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp lớn, trong đó về mũi nhọn kinh tế biển, ven biển tập trung nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, an toàn chất lượng, chuyển mạnh sang thâm canh và bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tăng diện tích nuôi ngao, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất ngao giống và nhà máy chế biến xuất khẩu ngao. Thực hiện nuôi thâm canh thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, gắn với sản xuất hàng hóa. Phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 1.450 ha, diện tích nuôi ngao đạt 2.250 ha. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản là 130.400 tấn. Tổng số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ đạt 160 phương tiện, số tàu công suất lớn (trên 300CV) chiếm 40 - 50% tổng số phương tiện khai thác.

Đẩy mạnh khai thác thủy sản trên biển. Thực hiện tốt Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhằm nâng số lượng tàu khai thác xa bờ. Tổ chức đào tạo nghề mới cho ngư dân và thành lập nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội khai thác trên biển, các dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, lãnh thổ và an sinh xã hội.

Phát triển nông nghiệp toàn diện và vững chắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nâng cao chất lượng giá trị gia tăng; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, gắn chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020 diện tích cây màu, cây vụ Đông đạt từ 12.000 ha trở lên; có  3 đến 4 mô hình gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lên 5.000 ha trở lên.

Quy hoạch vùng chuyên canh, chuyển từ 1.000 - 2.000 ha trồng lúa sang vùng chuyên màu. Chủ động đưa công nghệ cao vào sản xuất các loại cây trồng có giá trị lớn, theo hướng sản phẩm sạch. Đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa. Xây dựng thương hiệu, chứng chỉ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành chăn nuôi và thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp. Chú trọng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển hình thức chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn GAHP. Xây dựng trại sản xuất cá nước ngọt nhằm cung cấp giống đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Phấn đấu tăng trưởng giá trị ngành chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,23%/năm.

Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các thành phần kinh tế  vào đầu tư tại huyện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh, đơn giản và minh bạch cơ chế đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là thủ tục đất đai, vay vốn, tiếp thu công nghệ mới, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Thẩm định, lựa chọn các dự án có tính khả thi cao, ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động như giày da, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng biển, dự án có trình độ công nghệ cao, không ảnh hưởng đến môi trường.

Phát triển mạnh và đa dạng các loại hình thương mại dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ bình quân 5 năm đạt 8,53%/năm. Tạo điều kiện thu hút dự án đầu tư xây dựng siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, chợ đầu mối theo các hình thức BT, BOT và phát triển các loại hình dịch vụ khác.

Phát triển du lịch sinh thái biển, kết hợp tham quan di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh. Tiếp tục đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến thu hút phát triển khu du lịch Cồn Đen, khu rừng ngập mặn xã Thụy Trường...

Có được những thành tựu, nguồn lực mới, Thái Thụy xin gửi những lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên vùng đất ven biển Đông này. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chính là những đối tác chủ lực góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế - xã hội của quê hương Thái Thụy. Thái Thụy cam kết, luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi về đầu tư. Thành công của các vị cũng chính là  thành công, niềm tự hào  của quê hương Thái Thụy.

Cơ hội mới cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Thái Thụy
Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Phan Đình Dực khẳng định, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, bằng những giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư