Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Phát hiện hơn 25.000 vụ hàng giả, hàng nhái: Đề xuất một Ban Chỉ đạo quốc gia chuyên trách
Hữu Tuấn - 25/05/2016 14:30
 
Ngày 25/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp". Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đề xuất nên thành lập một Ban chỉ đạo quốc gia chuyên trách xử lý vấn nạn hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), năm 2015, Cục đã tiến hành kiểm tra hơn 38.000 vụ, phát hiện hơn 25.000 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 68 tỷ đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 536 tỷ đồng.Trong đó có 485 vụ vi phạm hàng giả về chất lượng, công dụng, 1.632 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, 650 vụ vi phạm về quyền SHTT, 20.809 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa... Phần lớn mặt hàng bị làm giả, làm nhái tập trung trong các nhóm hàng: Thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, điện tử- điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm…

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường đánh giá, dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan.

Theo đánh giá của Cục quản lý Thị trường, hiện nay, các phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT đang ngày càng tinh vi. Các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện; đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nguồn gốc xuất xứ và giao cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ... Đối tượng vi phạm cũng ngày càng đa dạng, trà trộn trong các khu dân cư, các làng nghề, vùng nông thôn... nên rất khó phát hiện.

a
Hội thảo "Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp" sáng 25/5 tại Hà Nội.

Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít những vụ việc bị khởi tố hình sự. Một số văn bản quy phạm phát luật chưa thống nhất, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho lực lượng thực thi. Ngoài ra, nguồn lực kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của Quản lý thị trường phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT còn hạn chế. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước chỉ có 16 đội chuyên trách chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT, tập trung tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, còn lại là kiêm nhiệm. Mỗi đội Quản lý thị trường quản lý địa bàn một huyện hoặc một số huyện với biên chế bình quân từ 5-7 người.

"Hàng giả, hàng nhái đang ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất lại không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; doanh nghiệp chưa thật sự vào cuộc phối hợp với cơ quan kiểm tra trong việc trao đổi thông tin, xác minh, xử lý vi phạm. Chưa kể, chế tài xử lý hàng giả khá cao, khó xử phạt trong thực tế; kinh phí tuyên truyền, kiểm nghiệm, tiêu hủy hàng hóa vi phạm còn hạn chế… khiến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng giả gặp không ít khó khăn", ông Cao Xuân Luật, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh nhận định.

Ông Nguyễn Anh Ngọc,Trưởng phòng Nhãn hiệu và xử lý vi phạm, Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip cho rằng, việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu như có thể điều tra để tìm ra được đơn vị sản xuất hoặc đầu mối nhập khẩu hàng giả. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn và nguy hiểm. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của lực lượng công an trong việc điều tra và xử lý đối với các trường hợp nêu trên.

"Cơ chế phối hợp và năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa. Riêng đối với lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thành lập một cơ quan quốc gia của Chính phủ (Ban chỉ đạo quốc gia) làm đầu mối để điều phối và duy trì công tác giữa các bộ, ngành thực thi quyền sở hữu trí tuệ hữu hiệu hơn", ông Ngọc đề xuất.

Còn theo Nguyễn Đức Hiệp, Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam cũng nhận xét, đối với doanh nghiệp, nạn hàng giả, hàng nhái gây 3 hậu quả xấu: Thứ nhất, doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ bởi hàng giả, hàng nhái đã đánh trúng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Thứ hai, uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính bị giảm sút. Thứ ba, môi trường kinh doanh bị xâm phạm. Trong khi cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng là động lực của tăng trưởng nhưng hàng giả, hàng nhái đã góp phần tiêu diệt cạnh tranh lành mạnh.

Người tiêu dùng đang là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng nhái. Trước hết, thiệt hại về kinh tế do mua phải hàng giả, hàng nhái. Nguy hiểm hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng hàng giả, hàng nhái vì đó là những hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

"Cấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn luôn làm đau đầu doanh nghiệp làm ăn chân chính. Muốn ngăn chặn, dẹp bỏ vấn nạn này, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách, chế tài xử phạt đủ mạnh nhằm nâng cao tính răn đe. Đặc biệt, chỉ định một cơ quan đầu mối có đủ chức năng, quyền hạn giải quyết khi phát hiện và xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái. Doanh nghiệp khi phát  hiện ra hàng giả, hàng nhái chỉ cần báo với cơ quan này để xử lý", ông Hiệp đề xuất.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT, năm 2015, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 536 tỷ đồng. Riêng quý I/2016, 1.269 vụ SXKD hàng giả, hàng nhái cũng bị phát hiện và xử lý...

Hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên Lazada, Sendo
Hàng giả, "nhái" vẫn được bày bán công khai trên các trang lớn như Lazada, Sendo vào dịp mua sắm cuối năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư