Trong phiên sáng, dư âm của phiên lao dốc trước đó tiếp tục ản hưởng xấu tới thị trường khi ngay từ đầu phiên, áp lực cung mạnh đã được đưa vào, đẩy VN-Index giảm tới hơn 28 điểm, xuyên thủng ngưỡng 1.050 điểm.

Ở vùng hỗ trợ này, lực cầu báy đáy nhập cuộc đầy mạnh mẽ, kéo VN-Index hồi phục trở lại một cách ngoạn mục và thanh khoản cũng tăng mạnh.

Tưởng chừng tiếp đà hưng phấn của phiên sáng, VN-Index sẽ nới rộng đà tăng trong phiên chiều để có phiên hồi phục tốt, bù đắp cho phiên lao dốc trước đó, giống như phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, nhà đầu tư lại bất ngờ thận trọng trở lại, khiến VN-Index không thể nới rộng đà tăng, thậm chí còn bị đẩy ngược trở lại và đã chớm sắc đỏ khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Nhiều cổ phiếu lớn đã hãm đà tăng như VIC, VRE, BID, nhiều mã đã quay đầu giảm như VCB, MSN, VPB, còn CTG cũng nới rộng đà giảm.

Sự hồi hộp theo nhà đầu tư bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa. Tuy nhiên, trong đợt ATC, lực cầu gia tăng trở lại ở các mã lớn, giúp VIC, VRE, BID lấy lại đà tăng mạnh, VCB, VPB, MSN có sắc xanh, qua đó giúp VN-Index thoát hiểm trong gang tấc và đóng cửa với sắc xanh nhạt, lấy lại được mốc 1.080 điểm trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 24/4, VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,37%), lên 1.080,74 điểm với 107 mã tăng, nhưng có tới 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 186,6 triệu đơn vị, giá trị 6.281,57 tỷ đồng, giảm 14,4% về khối lượng và giảm 12% về giá trị so với phiên hôm qua (23/4). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,6 triệu đơn vị, giá trị 657,59 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 24/4
Diễn biến VN-Index phiên 24/4

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn, dù không lấy lại được mức giá cao nhất ngày, nhưng VIC cũng trở lại ngưỡng 127.000 đồng sau khi đứng ở mức 126.000 đồng khi chốt đợt khớp lệnh liên tục. Cụ thể, chốt phiên, VIC tăng 3,08%, lên 127.000 đồng với 8,72 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường về thanh khoản. Tương tự, VRE cũng bấ trở lại mức giá 48.000 đồng, tăng 5,49% với gần 2 triệu đơn vị được khớp.

Các mã lớn khác tăng mạnh còn có BID tăng 3,54%, lên 38.000 đồng với 2,5 triệu đơn vị. GAS tăng 3,29%, lên 128.800 đồng với 0,64 triệu đơn vị. BVH tăng 4,17%, lên 100.000 đồng, dù có lúc mã này đã lên mức trần 102.700 đồng.

Ngoài ra, sắc xanh còn xuất hiện tại VCB (+0,67%, lên 60.000 đồng với 4,45 triệu đơn vị được khớp), MSN (+0,84%, lên 95.800 đồng với 1,4 triệu đơn vị), HPG (+0,72%, lên 56.000 đồng với 3,8 triệu đơn vị), NVL (+1,72%, lên 71.000 đồng với 2,56 triệu đơn vị)…

Trong khi đó, VNM giảm 1,32%, xuống 180.000 đồng, CTG giảm 2,72%, xuống 30.350 đồng với 5,7 triệu đơn vị được khớp; VJC giảm 1,02%, xuống 195.000 đồng với 1 triệu đơn vị; PLX giảm 4,02%, xuống 62.000 đồng với 1,22 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài BID và VCB hồi phục trở lại, nhiều mã khác dù nỗ lực hồi phục sau phiên bị bán tháo hôm qua, nhưng đã không đủ sức để duy trì sắc xanh trong phiên chiều. Ngoài CTG, còn có MBB giảm 0,16%, xuống 30.550 đồng với 6,26 triệu đơn vị; HDB giảm 3,43%, xuống 45.000 đồng với 3 triệu đơn vị; STB giảm 1,74%, xuống 14.150 đồng với 7,28 triệu đơn vị; EIB giảm 0,66%, xuống 15.100 đồng với 0,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có VPB và TPB đóng cửa ở mức tham chiếu.

Nhóm chứng khoán dù nỗ lực, nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi mức giảm mạnh trong phiên hôm nay như SSI, HCM, VCI, VND thậm chí còn tiếp tục giảm sàn xuống 27.350 đồng.

Cũng tiếp tục có mức sàn là QCG (giảm sàn phiên thứ 5 liên tiếp), NLG, HAR (phiên thứ 2 liên tiếp), trong khi HBC và HAX thoát mức sàn trong gang tấc.

Tương tự, HNX-Index cũng giằng co trong phiên chiều và chỉ may mắn mới thoát khỏi sắc xanh khi đóng cửa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,16% (+0,13%), lên 126,3 điểm với 77 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,24 triệu đơn vị, giá trị 800,53 tỷ đồng, giảm 24,3% về khối lượng và 34,59% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4 triệu đơn vị, giá trị 33 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, đa số đều đóng cửa trong sắc xanh, nhưng HNX-Index gặp kho do ACB giảm 0,22%, xuống 44.400 đồng với 3,66 triệu đơn vị được khớp. SHB cũng không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở mức tham chiếu 11.800 đồng với 15 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường. Ngoài ra, PVI giảm nhẹ 0,28%, xuống 35.900 đồng.

Trong khi đó, VCS tăng 0,45%, lên 110.500 đồng, VGC tăng 0,85%, lên 23.700 đồng với 1,27 triệu đơn vị, PVS hồi phục mạnh 3,59%, lên 20.200 đồng với 4 triệu đơn vị, VCG tăng 2,04%, lên 20.000 đồng với 1,66 triệu đơn vị…

Tuy nhiên, có nhiều cổ phiếu nhỏ nổi sóng hôm nay như MST, ACM, PXA, DPS, KSK, SDD…

Trong khi đó, sau 6 phiên tăng trần liên tiếp và tiếp tục hướng tới mức trần thứ 7 trong phiên hôm nay, lên 6.300 đồng, DST đã bị chốt lời mạnh, nên lùi thẳng về mức sàn 5.300 đồng trước khi hãm bớt đà giảm, đóng cửa ở mức 5.400 đồng, giảm 6,9% với 4,79 triệu đơn vị được khớp.
Thị trường trong 2 tuần nay cứ chứng kiến phiên hồi phục với thanh khoản giảm, thì ngay phiên sau thị trường lao dốc. Do đó, phiên hồi phục với thanh khoản giảm hôm nay lại đem đến nhiều nỗi lo cho nhà đầu tư trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ.

Trên UPCoM, dù cũng hồi phục trở lại trong phiên sáng và nới rộng đà tăng, lên mức cao nhất ngày đầu phiên chiều nay, UPCoM-Index đã nhanh chóng quay đầu đi xuống và không kịp hồi về mức tham chiếu khi chốt phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,15%), xuống 57,06 điểm với 67 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,58 triệu đơn vị, giá trị 352 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,16 triệu đơn vị, giá trị 110 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, ngoài MCH, BAB, KLB tăng nhẹ, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, LPB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 3,12 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 1,95%, xuống 15.100 đồng. POW giảm 2,82%, xuống 13.800 đồng với 1,1 triệu đơn vị. BSR giảm 3,62%, xuống 21.300 đồng với 0,85 triệu đơn vị. HVN giảm 7,56%, xuống 37.900 đồng với 0,85 triệu đơn vị…

Trong các mã nhỏ, PVM hôm nay bất ngờ giao dịch sôi động với 1,88 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng nhẹ 0,92%, lên 11.000 đồng.