Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp: Rõ trách nhiệm thoái vốn, niềm tin sẽ trở lại
Khánh An - 22/07/2017 08:17
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp (DN) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020 (Quyết định 1001/QĐ-TTg), ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, niềm tin của giới đầu tư sẽ trở lại khi nguồn hàng được công khai với trách nhiệm thực thi rõ ràng.

Tên tuổi 5 doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn; 2 DN SCIC tiếp tục giữ vốn, 132 DN thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020... mà Quyết định 1001/2017/QĐ-TTg liệt kê đã phần nào thỏa mãn sự chờ đợi của thị trường. Ông nghĩ thế nào về tác động của các danh mục này?

Tên tuổi DN rõ, phân định cách làm rõ, thời gian rõ, trách nhiệm thực hiện cũng rõ ràng. Ở đây là SCIC và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Mọi việc đều sẵn sàng cho thoái vốn nhà nước khỏi các DN trong 3 năm tới.

Tôi muốn nhấn mạnh tới tác động của danh mục này tới niềm tin của nhà đầu tư, của thị trường. Phải nói là, thị trường đã kiên nhẫn chờ đợi và đã kiên nhẫn đủ với các kế hoạch thoái vốn được công bố nhiều năm qua.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ tài chính)
 Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) 

Cùng với danh mục này, trong tháng 7/2017, chúng tôi sẽ công khai 730 DN đã cổ phần hóa, nhưng chưa niêm yết trên Cổng thông tin Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ Tài chính.

Hàng hóa dành cho thị trường minh bạch hơn, rõ ràng hơn, thúc đẩy kế hoạch đầu tư - kinh doanh của các nhà đầu tư. Các DN trong danh sách trên cũng phải chịu áp lực từ thị trường, của các cổ đông để cải thiện quản trị DN.

Còn về quy trình đấu giá, các phương pháp thoái vốn, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi các nghị định, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 và 9 tới. Tinh thần các văn bản này là các nội dung sẽ thực hiện được ngay, không cần chờ thông tư hướng dẫn.

Các yếu tố này đang tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vào cuối năm và giai đoạn 2018 - 2020.

Nhưng 6 tháng đầu năm 2017, mới có 22 DN thực hiện thoái vốn. Tiến độ này là chậm. Tại sao vậy, thưa ông?

Có nhiều, nhưng tựu trung có thể nhắc tới những nguyên nhân sau:

Một là, trách nhiệm của người đứng đầu DN, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã nhắc tới tình trạng nhiều việc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, nhưng ngại trách nhiệm nên không quyết, xin ý kiến cấp trên mất rất nhiều thời gian.

Hai là, phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt, như chậm trong hoàn thiện thể chế. Mặc dù các vướng mắc cá biệt đã được xử lý, nhưng DN cần hệ thống chính sách rõ ràng, thống nhất để tiên liệu được.

Ví dụ, để thoái vốn, thì theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg (về tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước và danh mục DN nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020), chỉ được thực hiện sau khi có danh mục phê duyệt, nên các DN phải đợi.

Với Quyết định 1001/2017/QĐ-TTg, quyết tâm của Chính phủ rất rõ. Danh mục thoái vốn của SCIC xong trước, phê duyệt trước để bắt tay vào làm ngay. Còn danh mục của cả nước thì tinh thần là sẽ được ban hành ngay trong tháng 8 tới. Nếu TP.HCM chậm thì sẽ phê duyệt riêng, để không ảnh hưởng đến tiến độ chung. Sẽ không còn lý do để các bộ, ngành, địa phương hay DN viện cớ chậm trễ vì chưa có danh mục phê duyệt nữa.

Ba là, thị trường chứng khoán mới hồi phục, dòng vốn hay lượng cầu chưa cao. Các DN thoái vốn có quy mô, hiệu quả khác nhau, nên giới đầu tư cân nhắc, chờ đợi nguồn hàng mới...

Các DN lớn thì đòi hỏi quy trình chặt chẽ theo thông lệ của thị trường và quy định, nên cũng không thể nhanh được.

Như trường hợp của Vinamilk, Habeco, Sabeco? Các DN này có hoàn thành thoái vốn trong năm 2017 như theo yêu cầu của Chính phủ?

SCIC và Bộ Công thương đang rất ráo riết. Nhưng chúng tôi đánh giá, SCIC có thể thực hiện thoái vốn nhà nước ra khỏi Vinamilk như lộ trình đã đặt ra, chứ chưa thể xong toàn bộ.

Còn với Habeco và Sabeco, Bộ Công thương có kế hoạch báo cáo phương án với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 và tháng 8, như vậy, việc thực hiện có thể gối sang năm 2018.

Đây là các DN quy mô lớn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thoái vốn trong năm 2017, nếu chậm, nguồn thu thoái vốn từ 3 DN này có thể không đạt yêu cầu?

Việc thực hiện thoái vốn tại các DN này để trả lại cơ hội cho thị trường, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để cân đối vào nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn đến năm 2020.

Nhưng thực hiện được kế hoạch thoái vốn này sẽ khai thông được thoái vốn tại các DN lớn, tạo kinh nghiệm cho việc thoái vốn tại các DN có quy mô tương tự. Khi các kế hoạch này được thực hiện đúng, nhà đầu tư sẽ tin tưởng và dòng tiền sẽ quay trở lại.

Bộ Tài chính sẽ tham mưu gì cho Chính phủ để đảm bảo các kế hoạch được công bố sẽ thực hiện đúng?

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo SCIC đảm bảo thoái vốn theo đúng tiến độ, trong đó có Vinamilk và các DN trong Quyết định 1001/2017/QĐ-TTg vừa được ban hành. Nếu chậm, chúng tôi sẽ kiến nghị chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu SCIC.

Ngoài ra, chúng tôi đề nghị, song song với việc chuẩn bị các bước thành lập cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước trong DN, các bộ, ngành cần thực hiện đúng lộ trình chuyển giao DN về SCIC đã được duyệt. Việc này sẽ thúc đẩy tiến độ thoái vốn, vì SCIC có kinh nghiệm, có năng lực, có bộ máy chuyên nghiệp, có nguồn lực để thực hiện.

Hơn thế, với việc chuyển giao này, trách nhiệm về thoái vốn ở các doanh nghiệp cũng rõ hơn. Nếu chậm, người đứng đầu SCIC phải chịu trách nhiệm.

Các bộ, ngành sẽ không còn vấn vương với tiến độ hay lo lắng tìm tư vấn phù hợp, mà dành nguồn lực cho quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ và giám sát tiến độ thực hiện và quản lý các DN 100% vốn đang do các bộ làm đại diện chủ sở hữu. Như Bộ Công thương sẽ dồn nguồn lực cho việc xử lý các dự án, DN thua lỗ, chứ không phải phân chia nguồn lực hiện tại cho việc thoái vốn của Habeco, Sabeco...

Nếu đến cuối năm nay, tiến độ thoái vốn các DN thuộc các bộ, ngành, địa phương không đạt kế hoạch, chúng tôi sẽ kiến nghị giải pháp chuyển giao nguyên trạng về SCIC.

Những chậm trễ trong chuyển giao các DN về SCIC theo yêu cầu đã được nói đến rất lâu. Có thể nói, thị trường đang cần Chính phủ quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn?

Công khai các danh mục DN cổ phần hóa, thoái vốn để tạo áp lực và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu DN, cơ quan có liên quan thông qua giám sát của thị trường, công luận chính là giải pháp hiệu quả của Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.

Chính sự giám sát của thị trường, của công luận là giải pháp không mất tiền, nhưng hiệu quả để phá sức ỳ không hề nhỏ trong các DN, các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải "đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước"
Sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ Đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư