Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Ông lớn" đường sắt mắc kẹt khi thoái vốn tại đơn vị thành viên
Anh Minh - 20/07/2017 09:24
 
Quá trình thoái vốn tại nhiều đơn vị thành viên, đơn vị có vốn góp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang bị mắc kẹt do giá trị cổ phiếu xuống thấp hoặc không có người mua.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn đọng vốn tại ít nhất 12 đầu mối, dù đã lên kế hoạch thoái toàn bộ từ lâu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn đọng vốn tại ít nhất 12 đầu mối, dù đã lên kế hoạch thoái toàn bộ từ lâu.

Giá thấp

Sau gần 8 tháng kể từ khi được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép thoái toàn bộ phần vốn góp tại Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), “ông lớn” đường sắt vẫn đang phải loay hoay hiệu chỉnh lại phương án bán sau khi đề xuất khớp lệnh toàn bộ trên sàn UpCom không nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ GTVT vừa yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện phương án thoái vốn tại RCC theo quy định hiện hành, đảm bảo thu hồi hiệu quả giá trị đầu tư tại doanh nghiệp, trình Bộ xem xét trong tháng 7/2017.

Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình thoái vốn tại RCC sẽ chỉ có thể tái khởi động sớm nhất là đầu quý III/2017, nếu như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra được các lý lẽ đủ sức thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước đó, trong văn bản trả lời Bộ GTVT về phương án thoái vốn tại RCC cuối tháng 6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá trị cổ phiếu giao dịch trên Upcom chỉ là một nguồn tham khảo khi thực hiện thoái vốn nhà nước. Bộ GTVT cần chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc thẩm định giá trị phần vốn nhà nước trước khi thoái vốn.

“Trong trường hợp giá trị phần vốn nhà nước được thẩm định thấp hơn giá trị sổ sách, đề nghị Bộ GTVT kiểm tra việc thực hiện trích lập quỹ dự phòng theo đúng quy định, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể liên quan”, Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Có chung quan điểm về việc tổ chức tư vấn xác định lại giá trị chuyển nhượng cổ phần của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại RCC, Bộ Tài chính khẳng định, đây là việc cần làm trong bối cảnh giá cổ phiếu của đơn vị giao dịch trên UpCom thấp hơn giá trị giao dịch.

Cần phải nói thêm rằng, RCC hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005, với vốn điều lệ 154,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 48,04%. Đây là đơn vị được đánh giá có quy mô vốn, năng lực thi công hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng đường sắt. Công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch UpCom từ cuối tháng 12/2016, nhưng quá trình thoái vốn RCC qua sàn UpCom không thuận như kỳ vọng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ tháng 12/2016 đến đầu tháng 4/2017, sau 81 phiên, tổng số cổ phiếu được khớp lệnh không vượt quá 300.000, trong nhiều phiên, cổ phiếu mang đến lại về. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu RCC chỉ là 16.667 đồng/cổ phần, thấp hơn giá trị sổ sách kế toán tại thời điểm 31/12/2016 của Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt là 22.060 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu ế

Không chỉ bị vướng với RCC, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn đọng vốn tại ít nhất 12 đầu mối, dù đã lên kế hoạch thoái toàn bộ từ lâu. Các công ty cổ phần đã được Tổng công ty đấu giá nhiều lần, nhưng không thể thoái hết vốn gồm: Đầu tư và xây dựng GTVT (Tổng công ty còn nắm 4,9% vốn điều lệ); Đầu tư và xây dựng công trình 3 (24,67% vốn điều lệ); Công trình 6 (15,88% vốn điều lệ); Tư vấn Đầu tư và xây dựng GTVT (4,93%); Xây dựng công trình Đà Nẵng (29,67%); Viễn thông - Tín hiệu đường sắt (10,9%); Vĩnh Nguyên (17,66%); In đường sắt (33,58%).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng bất lực trong việc tìm nhà đầu tư chịu nhận toàn bộ phần vốn góp tại 4 đầu mối gồm: Hải Vân Nam (2,88% vốn điều lệ); Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt (25,23% vốn điều lệ); Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt (20%); Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1 (37,75% vốn điều lệ).

Được biết, đây là những công ty mà Tổng công ty đã đấu giá từ 1 đến 2 lần, nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia hoặc tham gia, nhưng bỏ cọc toàn bộ không mua. Trong số 4 công ty cổ phần đang triển khai thoái vốn, vướng mắc lớn nhất nằm tại Công ty cổ phần Dịch vụ đường sắt 1 do hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Cụ thể, theo kết quả kiểm toán đến ngày 30/6/2016, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối của Công ty Dịch vụ đường sắt 1 âm 24,19 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu 11,985 tỷ đồng (vốn góp của Tổng công ty là 4,8 tỷ đồng). Ngoài ra, kiểm toán ngoại trừ do không tham gia kiểm kê hàng hóa tồn kho, số dư công nợ phải thu, phải trả và các khoản phải vay ngắn hạn, dài hạn tại ngày 30/6/2016 chưa có đầy đủ đối chiếu, xác nhận của các bên liên quan.

Mặt khác, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp đơn vị này thiếu hợp tác, không cung cấp đủ tài liệu cần thiết và tin cậy để xây dựng hồ sơ công bố thông tin thoái vốn (gồm: báo cáo tài chính các năm trước 2016, kế hoạch và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm, hồ sơ pháp lý về đất đai, hồ sơ đăng ký kinh doanh, hồ sơ thuế, hồ sơ pháp lý của các thành viên ban lãnh đạo công ty...).

Được biết, đối với các công ty cổ phần đã thoái, nhưng chưa thoái hết và đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho phép lựa chọn thời điểm thích họp để bán khớp lệnh trên sàn theo giá không thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu hoặc không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính gần nhất.

“Đối với các công ty cổ phần đã thoái lần 1, nhưng chưa thoái hết hoặc đã thoái nhưng không thành công, đề nghị Bộ GTVT cho phép thẩm định lại giá trị cổ phiếu và thực hiện chào bán cạnh tranh theo lô”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đề xuất.

Khởi động tuyến đường sắt trị giá 3,6 tỷ USD nối TP.HCM - Cần Thơ
Đánh giá tuyến đường sắt nối với Cần Thơ là cần thiết cho phát triển kinh tế, TP.HCM muốn sớm triển khai dự án này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư