Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phòng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần phòng thủ nhiều kịch bản
Anh Hoa - 22/06/2018 08:25
 
“Do ở thế dễ bị tổn thương, nên Việt Nam cũng phải có kịch bản cho riêng mình trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra”. Chuyên gia cao cấp về kinh tế và hội nhập, TS. Võ Trí Thành đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này.

Nhiều dữ liệu cho thấy, kinh tế Việt Nam và hoạt động thương mại trước mắt chưa chịu tác động trực tiếp đáng kể từ những căng thẳng khi “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ khó lường những tác động gián tiếp, thưa ông? 

Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung, mà ẩn sau đó có rất nhiều nguyên nhân về kiềm chế chính trị, tìm kiếm vai trò nắm được sức mạnh công nghệ, tăng trưởng kinh tế thương mại, đầu tư, cán cân thương mại… 

.
TS. Võ Trí Thành

Vẫn còn nhiều kịch bản về mức độ và quy mô của “cuộc chiến”, nhưng có một điều thấy rõ là độ căng thẳng đang bị đẩy lên cao. Hiện có hai góc độ. 

Thứ nhất, leo thang đối đầu thương mại sẽ tăng đến lúc nào đó rất khó kiểm soát, sẽ nổ ra chiến tranh thương mại. 

Thứ hai, khi vượt qua mức dền dứ như hiện nay, vì quan hệ thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, áp lực của dư luận quốc tế, kinh tế thế giới hoặc bản thân không muốn đi quá xa thì đến lúc hai bên cần ngồi lại thảo luận “mềm” với nhau.

Với mức độ hiện nay, việc tăng thuế, áp lên mặt hàng với giá trị vài trăm tỷ USD là rất lớn trong thương mại hai nước sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp, ngắn và trung hạn tới Việt Nam. 

Nếu chỉ nhìn con số mà hai bên áp đặt mức thuế cao hơn có thể chưa liên quan quá nhiều đến quan hệ thương mại của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc, vì Mỹ là hàng công nghệ, Trung Quốc là nông sản… Song tôi nghĩ, điều ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lúc này là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, trong đó có yếu tố thuận và nghịch. Nhà đầu tư của Mỹ và Trung Quốc cần xem xét thay đổi lại danh mục đầu tư nhằm “thoát thân”. Họ có thể tìm kiếm thị trường mới như Việt Nam với nền kinh tế vĩ mô ổn định, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, về lâu dài, cần quan tâm tới chiều không thuận, bởi đây không chỉ là câu chuyện của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn cả kinh tế toàn cầu. 

Nếu cuộc đối đầu leo thang sẽ tạo ra vòng xoáy các nước tăng cường bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở cùng tỷ trọng xuất khẩu cao, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì lúc này?

Có ba điều cần quan tâm đặc biệt ở tầm vĩ mô và doanh nghiệp.

Thứ nhất, xu thế bất định gia tăng những năm qua và còn kéo dài sẽ làm tăng rủi ro. Doanh nghiệp cần quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam cần tăng sức chống chọi các cú sốc bên ngoài, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc tài chính ngân hàng theo hướng minh bạch hơn. 

Thứ hai, đây là giai đoạn quá độ, xu hướng liên kết thúc đẩy thương mại đầu tư tự do hóa, trong đó, cuộc cách mạng 4.0 với đột phá chuyển biến rất nhanh về công nghệ. Đây là giai đoạn vừa tăng sức đề kháng, vừa cải cách, học hỏi chuẩn bị, xắn tay vào bắt nhịp xu hướng mới. 

Thứ ba, đằng sau mọi chuyện là cải cách thể chế là con người gắn với con người, hội nhập. 

Dù kịch bản nào, thì cải cách, bắt nhịp phải đi cùng xu hướng, phải phòng thủ và học hỏi. 

Trong bối cảnh hiện nay, ông có nghĩ rằng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chẳng hạn, sẽ tạo cú hích mới, giúp Việt Nam tham gia cuộc chơi thương mại tốt hơn?

Tôi nghĩ đừng chờ CPTPP đi vào thực thi, thì mới thay đổi mọi thứ. Các doanh nghiệp cần phải có cái nhìn rộng hơn. CPTPP không chỉ liên quan đến giá trị xuất nhập khẩu, mà mở ra nhiều “sân chơi, cách kiếm tiền mới”, không chỉ thị trường các nước tham gia CPTPP, mà cả các nước ngoài hiệp định.

Các doanh nghiệp cần tính toán cách kiếm tiền tốt hơn phù hợp với xu thế hội nhập như: kinh doanh bao trùm, kinh doanh theo nền kinh tế tuần hoàn… Doanh nghiệp phải tính đến tất cả điều đó.

Do vậy, đánh giá về tổng thể, CPTPP sẽ mang lại lợi ích chung tốt hơn, cũng như thu hút FDI có chất lượng cao hơn. Đối với lợi ích quốc gia, Việt Nam sẽ chọn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI với các tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, minh bạch cao hơn. Điều quan trọng nữa là ngoài những lợi ích kinh tế trực tiếp, CPTPP sẽ tạo nên sức ép cải cách môi trường kinh doanh mạnh hơn.

WB: Căng thẳng thương mại có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng như năm 2008
Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB), những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn của Mỹ có thể gây tổn hại cho thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư