Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Shenzhou hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may tại Việt Nam
Hồng Sơn - 10/12/2017 19:11
 
Với việc hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may từ công đoạn sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng, nhiều khả năng Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shenzhou, Trung Quốc) sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.
Tập đoàn Shenzhou sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của Worldon Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Tập đoàn Shenzhou sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của Worldon Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cuối tuần qua, Worldon Việt Nam đã đưa toàn bộ dự án có vốn đầu tư 310 triệu USD tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM vào sản xuất. Trước đó, đầu năm 2015, Công ty đã được TP.HCM cấp phép cho dự án đầu tư mở rộng, với vốn đầu tư tăng thêm 140 triệu USD.

Thời điểm tăng vốn đầu tư, ông Ma Jianrong, Chủ tịch Worldon Việt Nam cho biết, Shenzhou là nhà sản xuất các sản phẩm dệt kim hoàn chỉnh, từ công đoạn ban đầu gồm sợi, dệt vải, in hoa... đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo... Dự án dự kiến hoàn thành toàn bộ để đi vào sản xuất ngay trong năm 2015. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng của Dự án sau đó bị tạm ngưng và đầu năm 2016 mới rục rịch được triển khai trở lại.

Liên quan đến Dự án này, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đây là dự án hoạt động trong lĩnh vực dệt may có vốn đầu tư lớn nhất tại các khu công nghiệp của TP.HCM. Dù Thành phố có chủ trương không thu hút các dự án thâm dụng lao động, trong đó có các dự án dệt may, nhưng dự án này được cấp phép bởi nhà đầu tư cam kết sử dụng thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trong ngành dệt may.

Đây cũng là công đoạn cuối của chuỗi sản xuất của Tập đoàn Shenzhou. Theo đó, Nhà máy Dệt vải Gain Lucky Việt Nam tại Khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh) của Tập đoàn Shenzhou sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của Worldon Việt Nam. Ngoài ra, Dự án của Worldon Việt Nam có đầu tư, xây dựng trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc, mũ, giày cao cấp…

Shenzhou là nhà sản xuất các sản phẩm dệt kim hoàn chỉnh, từ công đoạn ban đầu gồm sợi, dệt vải, in hoa... đến sản phẩm may mặc cuối cùng.

Như vậy, chỉ tính 2 dự án trên, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc này đã rót hơn 700 triệu USD vào Việt Nam. Với việc hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may từ công đoạn sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.

Theo tìm hiểu, dự án của Worldon Việt Nam hiện mới hoàn thành 3 nhà xưởng sản xuất, trong khi diện tích được tăng thêm là gần 15 ha. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, Worldon Việt Nam đã xin 7 ha liền kề với dự án làm nhà lưu trú cho công nhân. Hiện nay, dự án này đã hoàn thành 3 block để công nhân đến ở.

Tính đến ngày 20/11/2017, cả nước có 24.580 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 316,91 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 11 tháng qua, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 23,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2016.

Xuất khẩu dệt may 2017 dự kiến thu về 31 tỷ USD, giày dép - túi xách 18 tỷ USD
Hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may và giày dép dự kiến đạt kim ngạch 49 tỷ USD trong năm 2017, trong đó, 31 tỷ USD từ dệt may và 18 tỷ USD từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư