Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tạo "bệ phóng" cho doanh nghiệp Việt Nam: Rào cản rất nhiều, nhưng không mới
Khánh An - 28/06/2017 08:29
 
Làm gì và ai làm để doanh nghiệp Việt Nam phát triển tiếp tục là câu hỏi làm đau đầu cả doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.
.
Các diễn giả tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017

Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khởi đầu và kết thúc đều bằng những câu hỏi mà người điều phối, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, đưa ra. Đó là, ngay lúc này, làm thế nào để doanh nghiệp thực sự phát triển mạnh mẽ hơn, bởi những khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa đến Diễn đàn cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải kinh doanh trong chật vật.

“Rào cản doanh nghiệp được đưa ra rất nhiều, nhưng không mới. Đó là khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, vốn, lao động, thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh, các khoản chi không chính thức, môi trường pháp lý chưa an toàn…”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) liệt kê và kèm theo đó là các tỷ lệ cụ thể doanh nghiệp kêu ca.

Điều mà các doanh nghiệp cần lúc này, theo ông Tuấn, là hành động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. “Hành động ở đây với hàm ý gồm cả thực thi và xây dựng chính sách. Tôi có dịp quan sát nhiều bộ, ngành, địa phương trong thực thi các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thấy nhiều nơi mới hành động trong phòng họp. Nếu coi việc ban hành các kế hoạch hành động là xong nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ còn chật vật”, ông Tuấn nói.

Phải thẳng thắn, trong số các rào cản, khó khăn được điểm danh, có những vấn đề thuộc về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, không thể cải thiện nếu không có nỗ lực thay đổi từ chính các doanh nghiệp. Thậm chí, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế còn nhắc tới thực trạng doanh nghiệp vẫn đi xin, vẫn chấp nhận bỏ các chi phí không chính thức để được lợi, thậm chí né tránh các nghĩa vụ của mình.

Vấn đề là, khi doanh nghiệp còn tư duy đi xin, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục níu giữ quyền cho. Khi doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của một môi trường không minh bạch, sẽ rất khó trả lời câu hỏi làm thế nào để phát triển. “Doanh nghiệp không thể lớn được nếu còn xin, còn cho”, ông Ánh nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hành động phải từ các phía. “Điểm tôi muốn nhấn mạnh trong câu hỏi làm gì, đó là trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Nhưng, trong vai quản lý nhà nước, ông Hùng thừa nhận phần việc không thể né tránh là giảm chi phí tuân thủ các quy định. So với nhiều nước, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất cao, khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Giải pháp trong ngắn hạn mà các cơ quan quản lý nhà nước đang đưa ra là cắt giảm thủ tục hành chính, tiến hành liên thông các thủ tục,  sửa đổi các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…

“Đây là việc các cơ quan nhà nước phải chủ động làm ngay theo yêu cầu của Chính phủ. Còn dài hạn, công việc mà các cơ quan nhà nước phải làm để doanh nghiệp phát triển là tạo môi trường kinh doanh theo đúng nghĩa là việc của thị trường để thị trường làm, Nhà nước không can thiệp”, ông Hùng nói.

Sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng
500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng lần đầu tiên được ghi nhận và vinh danh. Có nhiều tên tuổi quen thuộc, từng xuất hiện ở những bảng xếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư