Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thêm một cán bộ Bộ Công thương - Phó tổng PV Power, cựu Phó tổng PVC đi nước ngoài không trở về
Hoàng Nam - 09/12/2016 07:19
 
Sau khi xin nghỉ phép giải quyết việc gia đình từ ngày 10/10/2016, ông Lê Chung Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP) - thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã tiếp tục gửi đơn xin đi học tại Singapore từ ngày 20/10/2016 và tiếp tục vắng mặt tại cơ quan dù không được chấp nhận.

Thích là nghỉ

Theo thông cáo của PVP, ngày 10/10/2016, ông Lê Chung Dũng có Đơn gửi PVP xin được nghỉ phép 15 ngày để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép. Căn cứ vào số ngày phép còn lại trong năm 2016 của ông Lê Chung Dũng, PVP đã chấp thuận cho ông này được nghỉ phép theo đúng quy định từ ngày 10/10/2016 đến hết ngày 20/10/2016 (09 ngày) và đề nghị ông Dũng có mặt ở PVP sau khi hết thời hạn nghỉ phép.

Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi PVP xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 06 tháng, ngày nhập học 20/10/2016.

Sau khi nhận được đơn xin đi học ở nước ngoài của ông Lê Chung Dũng, PVP đã không chấp nhận và nhiều lần liên hệ (qua điện thoại, email) cũng như gửi các văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng trở lại để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục liên quan nhưng ông này vẫn chưa trở lại làm việc.

Ông Lê Chung Dũng từng là Phó tổng giám đốc PVC thời ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc PVC
Ông Lê Chung Dũng từng là Phó tổng giám đốc PVC thời ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc PVC

Theo PVP, thời điểm này cũng là thời hạn bổ nhiệm lại chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Lê Chung Dũng, vì các lý do nêu trên nên theo quy định quản lý cán bộ nên PVP đã không bổ nhiệm lại và ông Dũng không còn là Phó tổng giám đốc PVP.

Hiện PVP đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về Đảng và  tiến hành các thủ tục để kỷ luật lao động theo quy định của nội quy lao động của Tổng công ty và Luật lao động đối với ông Lê Chung Dũng.

Cũng về vụ việc này, sau khi thông tin được phát giác trên công luận, Bộ Công thương cũng có thông báo cho hay, ngay sau khi nhận được báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng phân cấp quản lý cán bộ và theo các quy chế, quy định hiện hành, đồng thời tăng cường quản lý cán bộ nhất là các cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Từng là lãnh đạo PVC

Ông Lê Trung Dũng sinh năm 1969. Trước khi được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc tại PVP vào tháng 1/2011, ông Lê Chung Dũng đã từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

quá trình công tác của ông Lê Chung Dũng
Quá trình công tác của ông Lê Chung Dũng

Cụ  thể, ông Dũng đã được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVC từ tháng 8/2008. Trước đó, ông đã có thời gian dài công tác tại PVC, kể từ tháng 4/2000.

Trong Báo cáo tài chính của PVC năm 2010, ông Dũng đã được miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc PVC vào ngày 31/12/2010.

Ông Dũng có bằng kỹ sư cơ khí và Cử nhân kinh tế ngành QTKDCN và XDCB.

Thời điểm ông Dũng giữ vị trí Phó tổng giám đốc tại PVC cũng là giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đang nắm các vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của PVC.

Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC
Báo cáo Tài chính năm 2010 của PVC

Tuy nhiên, khi ông Dũng rời khỏi PVC vào tháng 12/2010, doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động có hiệu quả. Lợi nhuận sau thuế năm 2009 là 175 tỷ đồng và năm 2010 là 435 tỷ đồng.

Ràng buộc PVC - PVP

Bởi cùng nằm trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên không chỉ có lãnh đạo từ PVC luân chuyển, được điều động sang làm lãnh đạo PVP, hai đơn vị này cũng có nhiều quan hệ khăng khít trong hoạt động đầu tư.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, PVP được giao quản lý hoặc thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư tại các nhà máy điện mà phần xây dựng được thực hiện bởi PVC.

Đơn cử như Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 mà PVP là chủ đầu tư, còn PVC là tổng thầu EPC với hợp đồng tổng thầu được ký kết vào ngày 28/2/2011.

Hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 bao gồm: thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hóa thiết bị vật tư, toàn bộ công tác xây lắp, chạy thử, nghiệm thu, đào tạo, bàn giao vận hành và thu xếp vốn. Giá trị Hợp đồng là khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) được Chủ đầu tư và Nhà thầu cùng tiến hành thu xếp vốn từ vốn vay tín dụng xuất khẩu (ECA), vốn vay thương mại và vốn tự có của Chủ đầu tư.

Trong một diễn biến khác, 4 bị can đến từ PVC gồm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc ; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC dường như có liên quan đến quá trình đầu tư Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với việc trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Theo kết quả điều tra ban đầu của C46 (Bộ Công an), sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay uỷ thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cá công trình khác 156 tỷ đồng.

Ngoài ra, PVC còn sử dụng số tiền trên để góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC-MS 102 tỷ đồng; Công ty PVC-Land 50 tỷ đồng; Công ty PVC-Hoà Bình 55 tỷ đồng; Công ty PVNC 30 tỷ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay có 3 công ty kinh doanh thu lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là Dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VI với kế hoạch phát điện tổ máy số 1 vào Quý II/2014, tổ máy số 2 vào cuối năm 2014; dự án có tổng mức đầu tư là 31.505 tỷ VNĐ (khoảng hơn 1,6 tỷ USD).

Dẫu vậy tại thời điểm tháng 12/2016 này, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa có kế hoạch chính thức sẽ vào vận hành dù một số mốc mới đã được nhắc tới là năm 2018.

“Có vấn đề” trong tặng thưởng các danh hiệu cho PVC
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư