Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thị trường bảo hiểm đứng trước nhiều cơ hội lớn trong năm 2017
Kim Lan - 01/01/2017 20:34
 
Với nhận định thị trường bảo hiểm nội địa còn nhiều cơ hội, cùng sự hỗ trợ của các yếu tố kinh tế vĩ mô, năm 2017, toàn thị trường phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 25% trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và trên 14% trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Nhận thức của người dân và các tổ chức kinh tế ngày càng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo hiểm
Nhận thức của người dân và các tổ chức kinh tế ngày càng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo hiểm

Vượt khó khăn, giữ mức tăng trưởng tốt

Theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tại lễ kỷ niệm ngày truyền thống thị trường bảo hiểm Việt Nam (24/12), năm 2016, mặc dù nền kinh tế vẫn trong tình trạng khó khăn, các thị trường tài chính chịu nhiều biến động mà nguyên nhân là ảnh hưởng từ những bất ổn tại thị trường thế giới, nhưng ngành bảo hiểm đã thu được những kết quả tích cực, duy trì đà tăng trưởng cao.

Về kết quả kinh doanh, năm 2016, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 101.767 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm khoảng 86.049 tỷ đồng, tăng 22,74% so với năm trước (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 49.677 tỷ đồng). Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 15.718 tỷ đồng.

Về năng lực hoạt động, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà cho rằng, đa số doanh nghiệp bảo hiểm, ở cả 2 khối phi nhân thọ và nhân thọ, đều đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán, một chỉ tiêu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp bảo hiểm  tiếp tục tái cơ cấu, tăng cường năng lực tài chính, áp dụng các giải pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, gần với thông lệ tốt trên thế giới và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đóng góp vào sự phát triển ổn định của thị trường, trong năm 2016, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo hiểm. Trong đó, đáng chú ý là sự ra đời của Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường. Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra, giám sát cũng ngày càng được tăng cường, đảm bảo tính minh bạch, tạo thêm niềm tin cho khách hàng tham gia bảo hiểm. 

Cơ hội lớn

Cũng tại lễ kỷ niệm ngày truyền thống thị trường bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà một lần nữa khẳng định, thị trường bảo hiểm còn nhiều cơ hội lớn. Ông Hà cho biết, ông đã chia sẻ điều này nhiều lần với các thành viên trên thị trường, bởi tiềm năng còn lớn mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa thể nắm bắt được.

Cụ thể, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển vì đất nước đang trên đà tăng trưởng, nhu cầu về bảo hiểm của người dân ngày càng lớn khi mức thu nhập được nâng cao... Hiện tại, quy mô thị trường bảo hiểm nội địa còn rất nhỏ, doanh thu phí bảo hiểm tính trên GDP chỉ đạt khoảng 2,4%. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giúp hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực, bền vững.

Trong năm 2017, ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) nhìn nhận, nhận thức của người dân và các tổ chức kinh tế về vai trò của bảo hiểm ngày càng được nâng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm. Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt (dự kiến GDP năm 2017 tăng 6,7%), đây là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.

Cùng với đó, những chính sách mới của Chính phủ về bảo hiểm (ví dụ bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai…) sớm được ban hành, sẽ là một yếu tố tích cực vừa thúc đẩy thị trường phát triển vừa tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm.

“Chúng ta tin tưởng rằng thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Năm 2017, toàn thị trường phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 25% trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và trên 14% trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ”, ông Bằng nói.

Theo các chuyên gia trong ngành, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội hơn khi thị trường tiếp tục hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” toàn cầu. Muốn nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp bảo hiểm trước tiên phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình.

“Chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp, việc áp dụng công nghệ thông tin, cũng như mức độ tin cậy của số liệu thống kê, kế toán tại một số doanh nghiệp còn có những hạn chế. Chưa kể, ngành bảo hiểm chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. Những tồn tại trên đòi hỏi IAV và các doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm tìm ra các giải pháp khắc phục”, ông Bằng nói.

Thay đổi ước tính số liệu bảo hiểm với mức tăng trưởng cao hơn
Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa cập nhật số liệu ước tính về kinh doanh bảo hiểm năm 2016, với kết quả tăng trưởng các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư