Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiến Nông (Thanh Hóa): Đảo cò, nay chỉ còn vịt
Sĩ Chức - 30/08/2013 22:33
 
“Đất lành chim đậu” hay “đất tốt cò đậu” là những câu mà người dân bao đời đã ví von để chỉ vùng đất thuộc làng Nga, xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Bởi nơi đây, cách dãy núi Nưa (nơi có Am Tiên và huyệt đạo linh thiêng của quốc gia, khu di tích gắn với anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh) khoảng chừng 7 – 10 km, theo đường chim bay về phía Tây Nam, cũng là nơi có hàng vạn con cò đến trú ngụ.

Khu tâm linh, sinh thái

Từ bao đời nay, người dân làng Nga sinh ra và lớn lên đã thấy hình ảnh cò, vạc sống tại đây. Hầu hết, không ai biết chính xác loài chim này đến đây “định cư” từ khi nào.

Câu trả lời thường trực đối với mỗi người dân khi có ai đó hỏi về thời điểm cò đến đây là: “Khi tôi lớn lên đã thấy có cò, vạc cư ngụ tại đây rồi”.

Tiến Nông "đất lành, cò đậu" nay đã vắng bóng những cánh cò bình yên

Cũng theo lời kể và mô tả của người dân quanh vùng, đảo Cò là một khu vườn sinh thái, bao quanh bởi hồ nước, ở giữa rộng khoảng 3 ha, được bao phủ bởi hàng tre mọc um tùm.

Nơi mà “mỗi tối về, đàn cò đậu kín mít, như một tấm bạt trắng xóa, bao phủ lên không gian này.

Hàng năm, chúng tập trung nhiều nhất vào khoảng từ tháng 9 dương lịch đến Tết Âm lịch.

Đây cũng là thời điểm các loài chim biển di cư, đi trú Đông và thời điểm mùa Xuân năm tới chính là mùa sinh sản của cò...

Khác với vị trí rừng cây hay đồi núi hiểm trở của những vườn cò khác trong cả nước, vườn cò này nằm xen giữa khu dân cư trong một hồ nước lớn, chung quanh là hào sâu ngăn cách. Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân mà nhiều đời nay, vườn cò vẫn tồn tại và có nhiều loài chim, vạc, cuốc về đây sinh sôi, làm tổ...

Tương truyền, chính giữa đảo này có ngôi mộ của Công chúa Quỳnh Hoa, con gái của vua Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay, vẫn còn miếu thờ và ngôi mộ cao khoảng 5m, có bốn mặt,… còn gọi là Mả Cạo (hay Hoa Cảo Tự).

Lần theo một số sách cổ ghi chép, nơi đây trước kia còn gọi là làng Vạn, với di tích Phủ Vạn, thờ ba vị tướng Trần Công Hoan, Trần Công Huân và Trần Công Tiếu , à những người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân của Ngô Xương Xí, lập ra nước Đại Cồ Việt.

Từ những cơ sở trên, một số nhà nghiên cứu khẳng định: “Loài cò đã xuất hiện nơi đây hàng ngàn năm về trước”. Năm 1998, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công nhận quần thể Đảo Cò, Phủ Vạn và chùa Hoa Long là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chỉ còn có… vịt

Theo phản ánh của người dân nơi đây, từ tháng 4/2013, sau một trận mưa đêm, “đàn cò đã đi vắng, từ đó tới nay không còn một bóng con nào”. Một số người dân có tâm lý hoang mang, cho rằng đây là dấu hiệu bất thường.

Ông Nguyễn Đình Cánh, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Nông cho biết; sau khi đàn cò bỏ đi, lãnh đạo UBND xã cũng đã rà soát lại toàn bộ các hộ dân sinh sống quanh khu vực này, nhưng không có hiện tượng gì bất thường.

Tuy nhiên, ông Cánh cho biết thêm, từ năm 2006, ở khu vực gần đảo cò, xã có khoán thầu cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Việt Anh thuê 11ha, với thời gian 25 năm. Doanh nghiệp này đã tiến hành xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, bò. Ngoài ra, để tận dụng triệt để mặt nước, đơn vị này cũng tiến hành quây thả cá và… thả vịt. Các khu vực chưa sử dụng hết, Công ty tiếp tục khoán lại cho các hộ dân xung quanh đó khai thác và thả vịt.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Hữu Cơ, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho rằng, có nhiều tác nhân của việc đàn cò bỏ đi, không loại trừ việc Công ty Việt Anh ngăn dòng nước để thả cá và thả vịt, ảnh hưởng tới không gian và sinh thái của đàn cò.

Hiện nay, UBND huyện Triệu Sơn đã có hai công văn chính thức, yêu cầu UBND xã Tiến Nông làm rõ trách nhiệm trong việc không bảo vệ môi trường, có thể là một trong những nguyên nhân của việc đàn cò bỏ đi. Đồng thời, UBND huyện Triệu Sơn yêu cầu xã Tiến Nông đưa ra những biện pháp khôi phục môi trường sinh thái cho đàn cò quay trở lại.

“Nếu UBND xã Tiến Nông không bảo vệ được môi trường sinh thái và đàn cò,… không những phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước mà còn phải chịu trách nhiệm với bao thế hệ người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này”, ông Cơ nói.

Vùng “đất lành” có trầm tích văn hóa, được bồi đắp bởi bao thế hệ, lại thêm món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng khi đàn cò chọn làm nơi trú ngụ, nếu để mất đi, hẳn không chỉ là niềm tiếc nuối, mà còn day dứt cả câu hỏi về trách nhiệm với không gian sống của người dân nơi này.

Phát hiện thùng đựng chai lọ bốc mùi trong Công ty Nicotex
Phản ánh tới đường dây nóng Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, người dân tại xã Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho biết, đoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư