Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
VIAC bắt đầu áp dụng Quy tắc tố tụng trọng tài mới từ 1/3/2017
Hữu Tuấn - 23/02/2017 07:28
 
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017, Quy tắc này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2017
Buổi
Buổi Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017.

Tại Lễ công bố, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC đã nhấn mạnh những điểm mới nổi bật trong Quy tắc, đó là Điều 6: Tranh chấp từ nhiều hợp đồng, Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp và Điều 37; Điều 37: Thủ tục rút gọn.

Ông Phan Trọng Đạt cho biết Quy tắc VIAC 2017 là quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22 tháng 03 năm 2014 liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp.

Với các quy định hoàn toàn mới tại Điều 6 và Điều 15 Quy tắc VIAC 2017, các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật, giúp tiết kiệm từ 15%-37% phí trọng tài, giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên (trước đây phải tham gia song song các vụ kiện tương tự nhau, nay chỉ cần tham gia 01 vụ kiện gộp) từ đó tiết kiệm được thêm các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và các phí tổn khác cho doanh nghiệp.

“Cả hai Điều 6 và Điều 15 sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ, giảm được những chi phí không cần thiết như thời gian và phí tổn cho việc theo kiện. Ví dụ trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, tài chính… – các lĩnh vực mà có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau. Việc gộp vào một vụ giúp cho việc tìm ra bản chất pháp lý của sự việc để giải quyết” – ông Phan Trọng Đạt nhấn mạnh.

Một điểm nổi bật nữa được thể hiện ở Điều 37: Thủ tục rút gọn. Theo ông Đạt, thời gian giải quyết tranh chấp luôn là một trong những điểm sáng trong giải quyết tranh chấp tại VIAC, trong năm 2016, VIAC tiếp tục giữ vững tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp là 153.6 ngày/vụ tranh chấp. Tại Quy tắc VIAC 2017, VIAC bổ sung Thủ tục trọng tài quyết nhanh – Thủ tục rút gọn (Expedited Procedure) tại Điều 37.

Điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục rút gọn nêu rõ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC”.

Thủ tục trọng tài rút gọn theo ông Đạt là hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.

Theo Quy tắc mới Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất; Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào. Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên…

“Với đội ngũ trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực của hoạt động thương mại, và Ban Thư ký chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệp trong hỗ trợ điều phối quá trình tố tụng, VIAC tự tin vận hành Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng của quá trình”, ông Đạt khẳng định.

Tại buổi lễ, Đại diện của Hiệp hội Bảo hiểm đã nêu lên thực tiễn VIAC đã giải quyết những vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ trong vòng 30 ngày và hi vọng với điều khoản về thủ tục rút gọn mới của VIAC, các vụ tranh chấp giải quyết trong vòng 1 tháng sẽ ngày càng nhiều hơn.

Đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp và luật sư nêu lên những khó khăn trong quá khứ khi chưa có quy tắc mới như việc tốn thời gian và chi phí để giải quyết nhiều vụ tranh chấp khác nhau thay vì giải quyết nhiều hợp đồng trong một vụ tranh chấp và rất mong muốn việc vận hành Quy tắc mới này sẽ giúp giảm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam mất 400 ngày
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phối hợp với Dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư