Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam thu 3,59 tỷ USD từ xuất khẩu sợi nhưng phải chi 2,36 tỷ USD để nhập khẩu bông
Thế Hoàng - 26/03/2018 19:23
 
Chưa năm nào lượng ngoại tệ chi ra để nhập khẩu bông nguyên liệu về phục vụ nhu cầu kéo sợi của các doanh nghiệp trong nước tăng kỷ lục như năm 2017, với 2,36 tỷ USD, tăng 24,96% về lượng và tăng 41,74% về trị giá so với năm 2016.
Các thị trường cung cấp bông cho Việt Nam trong năm 2017. Nguồn: VITIC-Bộ Công Thương.
Các thị trường cung cấp bông cho Việt Nam trong năm 2017. Nguồn: VITIC-Bộ Công Thương.

Chưa năm nào lượng ngoại tệ chi ra để nhập khẩu bông nguyên liệu về phục vụ nhu cầu kéo sợi của các doanh nghiệp trong nước tăng kỷ lục như năm 2017.

Phụ thuộc 99% nguồn cung cấp bông nguyên liệu từ kênh nhập khẩu, năm 2017, nhập khẩu bông đạt trên 1,29 triệu tấn với trị giá 2,36 tỷ USD, tăng 24,96% về lượng và tăng 41,74% về trị giá so với năm 2016.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) lý giải, nhập khẩu bông tăng mạnh do việc xuất khẩu xơ, sợi dệt tăng mạnh, các doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu về để phục vụ sản xuất xơ, sợi dệt xuất khẩu.

Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng bông năm 2017 vào khoảng 1.824 USD/tấn, tăng 13,4% so với năm 2016.

Năm qua, lượng bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với 634 nghìn tấn, trị giá 1,178 tỷ USD, tăng 27% về lượng và 45,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Với 153.000 tấn, trị giá gần 300 triệu USD, Australia là nhà cung cấp bông lớn thứ 2, tiếp đến là Ấn Độ 170.000 tấn, trị giá 278 triệu USD và Brazil với 123.000 tấn và 226,2 triệu USD…

Các thị trường có lượng bông cung cấp cho nước ta tăng mạnh trong năm 2017 là: Hàn Quốc tăng 78%; Pakistan tăng 69,0%; Ấn Độ tăng 58,6%; Australia tăng 51,4%... Ngược lại, lượng bông nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 64,1%; Đài Loan giảm 45,4%; Bờ Biển Ngà giảm 27,2%;...

Xuất khẩu xuất khẩu xơ, sợi dệt của ngành dệt may chứng kiến mức tăng trưởng cao trong năm 2017, với giá trị xuất khẩu 3,59 tỷ USD, tăng 22,7%, tuy nhiên, nhìn vào mức chi nhập khẩu bông về kéo sợi, cho thấy càng xuất khẩu nhiều sợi thì chi nhập khẩu bông nguyên liệu càng lớn.

Những năm qua, các chương trình mở rộng diện tích trồng bông của ngành dệt may đều thất bại. Diện tích đất đai hạn chế, thổ nhưỡng không hợp nên việc sản xuất bông ngày càng thu hẹp, phần lớn bông dùng cho sản xuất đều từ nguồn nhập khẩu.

Trong khi đó, nhu cầu bông về kéo sợi của các doanh nghiệp được đầu tư ngày càng gia tăng.

Sau khi được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn 2014-2016, hiện Việt Nam có 6,5 triệu cọc sợi với năng suất 1,2 triệu tấn sợi bông nhân tạo. Quy mô sản xuất sợi tăng nhanh nhờ thu hút được các dự án FDI và các nhà máy đã được đầu tư trong giai đoạn trước đi vào vận hành. Trong đó, có thể kể đến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Texhong với quy mô khoảng 450.000 tấn sợi/năm tại Khu công nghiệp Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh và nhà máy mới của Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ công suất 30.000 tấn sợi/năm tại Khu công nghiệp Trảng Bàng 3, tỉnh Tây Ninh.

Xuất khẩu xơ sợi rinh về hơn 1,85 tỷ USD sau 7 tháng
Xuất khẩu sản phẩm xơ, sợi trong 7 tháng 2017 tiếp tục ghi điểm với 750.000 tấn, đạt giá trị hơn 1,85 tỷ USD, tăng , tăng 17% về lượng và tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư