Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu
D.Ngân - 18/09/2023 19:12
 
Cục Quản lý, khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn số 1249/KCB-NV về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu gửi các cơ sở y tế.

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên và đã có 3 ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Tiêm chủng là biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh bạch hầu.

Rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến.

Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Trước nguy cơ dịch bạch hầu quay trở lại, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, tại 130 trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, tỷ lệ người dân đến tiêm vắc-xin bạch hầu tăng 300% so với các tháng trước.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX.

Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2-5 ngày. Trong thời gian này, người bệnh không có biểu hiện. Bệnh dễ lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bệnh.

Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng..., bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc... gây tử vong sau 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới khoảng 5-10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi khi mắc bệnh.

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở nơi có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên, một số tỉnh miền núi phía Bắc có ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến số ca bệnh tăng.

Mới đây, sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, trong đó có trường hợp tử vong. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu. Trước đó, vừa qua tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong.

Theo các chuyên gia, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh thường biểu hiện cấp tính hình thành giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua các vật có chất tiết của người bệnh. Một số ít ca bệnh cũng ghi nhận bạch hầu xâm nhập qua tổn thương da, gây bạch hầu da.

Bệnh có thể gặp phải ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, các biểu hiện ban đầu ở trẻ nhỏ thường dễ bị lầm tưởng với với cảm lạnh thông thường như đau họng, ho, sốt kèm ớn lạnh.

Bệnh thường tiến triển ở vùng hầu họng khiến khàn tiếng hoặc khó nuốt. Bệnh có thể gây liệt ở các vùng cơ quan khác như liệt vùng mắt, thanh khí quản và các dây thần kinh hỗ trợ cơ hô hấp.

Tình trạng suy hô hấp có thể diễn tiến rất nhanh, vì khi độc tố vi khuẩn bạch hầu tấn công vùng hầu họng sẽ tạo ra giả mạc. Lớp giả mạc này phình to, xâm lấn, gây hẹp đường hô hấp dễ khiến bệnh nhân tắc nghẽn đường thở, diễn tiến suy hô hấp và tử vong.

Bệnh bạch hầu còn gây nhiều biến chứng ở tim và hệ thần kinh, tăng nguy cơ tử vong cho người mắc.

Theo chuyên gia, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong.

Tiếp theo, bạch hầu có thể gây ra các biến chứng thần kinh, chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.

"Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch…", bác sĩ Chính cho hay.

Hiện nay, vắc-xin là biện pháp nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn để phòng bệnh bạch hầu. Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ khi vắc-xin ngừa bạch hầu-ho gà-uốn ván được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 1981, số ca bạch hầu tại nước ta đã giảm mạnh.

Trong nhiều năm trở lại đây, bệnh quay trở lại với các ca bệnh rải rác ở các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, gần đây là các tỉnh miền núi phía bắc. Qua điều tra dịch tễ, đây đều là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Vắc-xin phòng bạch hầu có trong tất cả các vắc-xin kết hợp 2 trong 1; 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1; 6 trong 1. vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi.

Vắc-xin 3 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, vắc-xin 2 trong 1 ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin bại liệt mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi
Sở Y tế Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4673/KH-SYT về việc triển khai tiêm vắc-xin bại liệt IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư