Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Dấu hiệu bất minh ở Bộ môn Jujitsu
Huệ Nguyễn - 24/09/2022 08:47
 
Thu lệ phí tham dự không đúng quy định đối với vận động viên, huấn luyện viên; nhập nhèm trong việc chi trả các chế độ cho trọng tài SEA Games 31; gây khó khăn cho trọng tài tham dự tập huấn quốc tế… là những vấn đề đang bị phản ánh có dấu hiệu bất minh ở Bộ môn Jujitsu (Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục - Thể thao).
Một trận thi đấu Jujitsu tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam
Một trận thi đấu Jujitsu tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam.

Có dấu hiệu cắt xén chế độ của trọng tài phục vụ SEA Games 31

Phản ánh tới Báo Đầu tư, một số trọng tài Jujitsu cho biết, chế độ đi lại, ăn uống không được Ban Tổ chức thực hiện đúng theo quy định, có dấu hiệu cắt xén và hợp thức hóa bằng hình thức đi xin chữ ký bữa ăn sau khi giải đấu đã kết thúc hơn 3 tháng.

Liên quan việc đi lại, trọng tài Nguyễn Đức Hiếu cho biết: “Trong quá trình làm nhiệm vụ phục vụ SEA Games 31 từ ngày 11 đến 16/5/2022, tôi chỉ được đưa đón đi làm nhiệm vụ 2 ngày 14 - 15/5, còn những ngày khác, tôi hoàn toàn phải tự chủ động phương tiện đi lại từ Khách sạn La Thành tới Nhà thi đấu Đan Phượng, với khoảng 17 km một lượt. Tôi và các trọng tài khác không hề được hỗ trợ chi phí đi lại trong những ngày này, mà phải tự bỏ tiền túi ra để làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tôi được điều động làm trọng tài với chế độ trọng tài ngoại tỉnh đến Hà Nội làm việc, nhưng không được hưởng chế độ đi lại từ địa phương tới địa điểm tập trung. Kết thúc SEA Games 31, tôi được nhận phụ cấp 1,2 triệu đồng”.

Điều 16, Chương IV, Luật Phí và Lệ phí 2015 số 7/2015/QH13 quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí: "Nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.

Ông Hiếu cho biết thêm: “Chế độ ăn của các trọng tài là 200.000 đồng/ngày, nhưng trên thực tế, chúng tôi chỉ được ăn bữa trưa, còn lại đều phải tự túc. Vậy nhưng, đến ngày 21/8, khi diễn ra Cúp các câu lạc bộ Jujitsu quốc gia năm 2022 tại Hà Nam, ông Trần Văn Thạch, Trưởng Bộ môn Jujitsu (chuyên viên Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục - Thể thao) đi xin chữ ký một số trọng tài để xác nhận ăn đủ các bữa tại SEA Games 31”.

Không đồng tình với chế độ của Ban Tổ chức, ngày 6/7/2022, ông Đặng Dương Hoa, trú tại An Giang, là trọng tài Bộ môn Jujitsu cũng đã đề nghị Ban Tổ chức làm rõ việc được triệu tập ra Hà Nội để phục vụ SEA Games 31, nhưng trong thời gian làm nhiệm vụ, chỉ được ăn 2 bữa sáng tại Khách sạn La Thành, 2 bữa trưa (cơm hộp) tại Nhà thi đấu Đan Phượng (ngày 14 và 15/5), còn lại tất cả đều phải tự túc.

Ông Hoa cũng chỉ được xe đưa đón vào 2 ngày trên, còn lại phải chủ động gọi xe taxi, tổng 2 chiều khoảng 35 km và tự chi trả. Ngày 20/6, ông Hoa nhận được 1,2 triệu đồng tiền làm nhiệm vụ.

Chịu chung tình trạng trên, trọng tài Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho biết, không nhận được bất cứ chế độ nào khác ngoài 1,2 triệu đồng/5 ngày phục vụ SEA Games 31 và 2 bữa sáng, trưa của 2 ngày chính thức diễn ra thi đấu môn Jujitsu. Tính ra, trong 5 ngày này, ông Mạnh phải tự lo chi phí ăn uống, đi lại hết khoảng 5 triệu đồng.

Thu phí vận động viên, huấn luyện viên tại nhiều giải đấu

Liên quan công tác tổ chức một số giải đấu Bộ môn Jujitsu, nhiều vận động viên đã hết sức bất ngờ trước việc Ban Tổ chức thu lệ phí tham dự đối với vận động viên, huấn luyện viên, trong khi đây là các giải đấu đã được sử dụng ngân sách nhà nước.

Chẳng hạn, tại Cúp các câu lạc bộ quốc gia năm 2021 tại Đà Nẵng, Giải vô địch Jujitsu quốc gia năm 2021 tại Vĩnh Phúc, Cúp các câu lạc bộ quốc gia năm 2022 tại Vĩnh Phúc, ông Trần Văn Thạch đã thu 300.000 đồng/nội dung đăng ký thi đấu đối với mỗi vận động viên, huấn luyện viên tham gia chỉ đạo.

Nhiều vận động viên cho rằng, với các giải sử dụng ngân sách nhà nước như vậy, việc thu lệ phí tham dự là không đúng với quy định của Luật Phí và Lệ phí.

Trọng tài tại các giải đấu này cũng không được bố trí xe đi lại từ khách sạn tới địa điểm thi đấu trong toàn bộ những ngày diễn ra giải đấu; không được bố trí ăn, mặc dù theo quyết định điều động trọng tài làm giải, Ban Tổ chức sẽ lo về phần kinh phí đi lại, ăn ở cho các trọng tài.

Thêm vào đó, một số vận động viên phản ánh, Cúp các câu lạc bộ quốc gia năm 2022 diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên có quy định test nhanh hoặc PCR cho các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài tham dự. Tuy nhiên, trên thực tế, Ban Tổ chức không triển khai nội dung này, khiến nhiều vận động viên luôn trong tình trạng lo sợ bị cơ quan chức năng đình chỉ giải đấu.

Tắc trách hay gây khó khăn cho các trọng tài tham dự lớp trọng tài Jujitsu quốc tế

Ngày 6/6/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Đặng Hà Việt đã ký Quyết định số 722/QĐ-TCTDTT về việc cử thành viên tham dự lớp trọng tài Jujitsu quốc tế năm 2022 tại Thái Lan. Có 8 thành viên (2 huấn luyện viên, trọng tài quốc gia và 6 trọng tài Liên đoàn Jujitsu Việt Nam) được cử sang Thái Lan từ ngày 14 đến 18/6/2022.

Về kinh phí thực hiện, 2 thành viên đầu tiên trong danh sách (do ông Trần Văn Thạch đề cử) được chi trả tiền vé máy bay quốc tế khứ hồi, bảo hiểm; Ban Tổ chức chi tiền ăn, ở, di chuyển nội địa cho các thành viên từ 1 đến 4; các thành viên còn lại tự túc hoàn toàn chi phí.

Một số trọng tài là thành viên Liên đoàn Jujitsu Việt Nam cho biết, dù đã được đề xuất lên Bộ môn Jujitsu để tham dự lớp trọng tài quốc tế năm 2022, nhưng không nhận được quyết định, danh sách cử đi Thái Lan, cho tới khi lớp này diễn ra.

Trọng tài Nguyễn Đức Hiếu (một trong 6 trọng tài thuộc Liên đoàn Jujitsu Việt Nam có tên trong danh sách) cho biết: “Vào trưa ngày 16/6, tôi mới nhận được bản chụp Quyết định, kèm theo danh sách, do đó, tôi không thể tham dự lớp trọng tài Jujitsu quốc tế. Lý do sau này ông Trần Văn Thạch đưa ra là “do thiếu thông tin, địa chỉ cá nhân” hết sức vô lý, bởi trên thực tế, bản thân tôi đã làm nhiệm vụ SEA Games 31 và một số giải Jujitsu trước đó như Giải vô địch Jujitsu toàn quốc tại Vĩnh Phúc; Cúp các câu lạc bộ tại Vĩnh Phúc. Hơn nữa, ngoài việc là Trưởng bộ môn Jujitsu, ông Trần Văn Thạch còn là Phó chủ tịch Liên đoàn Jujitsu Việt Nam và tôi là ủy viên Ban Chấp hành. Tôi cho rằng, có sự tắc trách, cố ý gây khó khăn cho nhóm người thuộc Liên đoàn Jujitsu Việt Nam, khi không được ông Thạch và Tổng cục Thể dục - Thể thao thông báo”, ông Hiếu nhận định.

Nhiều lý do thiếu thuyết phục

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao cho biết, các chế độ dành cho trọng tài được thực hiện theo Thông tư số 34/2021/TT-BTC quy định việc lập dự toán tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Việt Nam.

Trả lời phản ánh về chế độ ăn ở, đi lại không đảm bảo, ông Phấn cho biết, theo quy định, chỉ chi trả chế độ 2 ngày diễn ra thi đấu chính thức, còn 2 ngày trước và 1 ngày sau giải đấu thì không được.

Ông Phấn cũng thừa nhận: “Trong công tác tổ chức còn một số thiếu sót, mong các vận động viên, trọng tài thông cảm. Ngay cả tôi và nhiều người khác phải tự di chuyển, ăn uống vì phải lo rất nhiều việc, không thể ăn tập trung một chỗ”.

Trước việc có nhiều trọng tài không được bố trí suất ăn, nhưng Trưởng bộ môn Jujitsu Trần Văn Thạch vẫn đi xin chữ ký suất ăn đủ 3 bữa sau khi SEA Games 31 đã kết thúc được 3 tháng, ông Phấn khẳng định sẽ cho kiểm tra lại vấn đề quyết toán tài chính và xử lý nếu có dấu hiệu trục lợi.

Liên quan việc chậm trễ gửi thông tin tới một số trọng tài tham dự lớp trọng tài quốc tế tại Thái Lan, ông Phấn khẳng định, đã có việc phối hợp lên danh sách giữa ông Trần Văn Thạch (đầu mối của Tổng cục), ông Trần Tuấn Anh (xưng là Trưởng ban Trọng tài Liên đoàn Jujitsu Việt Nam) và ông Nguyễn Đức Hoàng (Phó chủ tịch, kiêm Chánh văn phòng Liên đoàn Jujitsu Việt Nam). Tuy nhiên, sau đó, ông Thạch và ông Tuấn Anh đã không thông báo đầy đủ, kịp thời tới Liên đoàn Jujitsu Việt Nam và các trọng tài, với lý do được đưa ra là không có đầy đủ thông tin cá nhân của các trọng tài trong danh sách (!?)

Đối với việc thu phí vận động viên, huấn luyện viên tham dự một số giải sử dụng ngân sách nhà nước, Phó tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho biết, ngân sách không đáp ứng 100% kinh phí tổ chức giải, nên Tổng cục thu lệ phí và sử dụng một phần để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác tổ chức, còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước thông qua Văn phòng Tổng cục.

Ông Phấn khẳng định, việc thu phí, lệ phí này là bình thường, với mục đích là bù đắp chi phí, để công tác tổ chức các sự kiện được tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi có thông tin phản ánh, Tổng cục đã thành lập Tổ công tác để xác minh lại toàn bộ sự việc, cũng như công tác thu - chi tài chính để làm rõ, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Theo đại diện Liên đoàn Jujitsu Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh chỉ là trọng tài của Liên đoàn Jujitsu Việt Nam, chứ không phải Trưởng ban Trọng tài như ông này tự nhận. Hơn nữa, ông Tuấn Anh cũng không được giao nhiệm vụ là đầu mối thông tin của Liên đoàn Jujitsu Việt Nam trong việc cử các trọng tài khác đi học.

Hai người do Bộ môn Jujitsu đề cử được đi Thái Lan, còn lại 6 người do Liên đoàn Jujitsu Việt Nam đề cử thì không được thông báo (trong đó, một trường hợp được Thái Lan mời và tự liên hệ, nhưng không đi được do vướng mắc thủ tục cá nhân), khiến các trọng tài hết sức bất bình.

Được biết, Jujitsu là bộ môn mới phát triển mạnh vài năm gần đây. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có 3 trọng tài được công nhận là trọng tài quốc tế (trong đó có ông Lê Hồng Phong - người thứ 3 trong danh sách). Do vậy, nếu 5 thành viên trong danh sách Liên đoàn Jujitsu Việt Nam đề cử được tham gia lớp tập huấn và được cấp bằng trọng tài quốc tế, thì sẽ là nguồn lực hết sức tích cực để Việt Nam mở các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn cho các trọng tài trong nước.

Bên cạnh đó, các trọng tài quốc tế của Việt Nam có cơ hội được tham gia điều hành tại các giải đấu quốc tế, cũng như trong khu vực, tăng cường tiếp xúc và tạo lợi thế cho nền thể thao nước nhà nói chung, Bộ môn Jujitsu nói riêng. Do vậy, việc để mất cơ hội cho các trọng tài trên đi học và được cấp bằng trọng tài quốc tế là hết sức đáng tiếc, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.

Chính phủ kỷ luật cảnh cáo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh liên quan tới Việt Á
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành bị Thủ tướng Chính phủ kỷ luật cảnh cáo do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư