Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Long An phát triển đô thị theo hướng bền vững
Trúc Giang - 15/10/2022 15:23
 
Tỉnh Long An đang đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh, kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới.
-Thành phố Tân An (tỉnh Long An) phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025
-Thành phố Tân An (tỉnh Long An) phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025

Lợi thế đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa

Trong những năm gần đây, tốc độ lan tỏa về công nghiệp, đô thị, dịch vụ của TP.HCM tới các tỉnh lân cận ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Là tỉnh tiếp giáp TP.HCM, có 2 tuyến đường cao tốc huyết mạch của khu vực phía Nam là cao tốc TPHCM - Trung Lương và cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua, cùng các tuyến đường vành đai kết nối TP.HCM, đồng thời là cửa ngõ kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, Long An có nhiều lợi thế trong việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Một trong những mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 được Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI xác định là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã đề ra 3 chương trình đột phá, trong đó có chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Theo đó, chương trình này sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cùng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đưa công nghiệp và dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Nhu cầu về diện tích đất để phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021- 2030 là 39.710 ha. Trong đó, đất để phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư là 26.878 ha; đất để phát triển nhà ở xã hội là 3.924 ha và đất để phát triển nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư và nhà ở do dân tự xây dựng là 8.908 ha.

Nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021- 2025 khoảng 254.616 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 492.980 tỷ đồng.

Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030

Song song đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm là hoàn thiện Đường vành đai TP. Tân An; Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830) và Đường tỉnh 827E (trục động lực kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM).

Đồng thời, HĐND tỉnh Long An đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cặp Đường tỉnh 826D (đoạn từ Vành đai 4 đến Rạch Dừa) để phát triển đô thị và Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị.

Theo kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, tỉnh Long An sẽ phân bổ cho đầu tư hạ tầng giao thông với số vốn dự kiến là 6.032 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư công trung hạn phần vốn ngân sách địa phương quản lý, cao nhất trong các lĩnh vực. Long An cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Việc đầu tư hạ tầng giao thông hoàn thiện, kết nối thông suốt nội tỉnh và liên vùng, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển đô thị, là đòn bẩy cho thu hút đầu tư phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Long An.

Với lợi thế có đến 3 huyện tiếp giáp TP.HCM (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc) và trung tâm của tỉnh là TP. Tân An chỉ cách TP.HCM khoảng 40 km, thời gian gần đây, Long An đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư bất động sản và là một trong những địa phương có thị trường bất động sản sôi động ở phía Nam.

Theo Sở Xây dựng Long An, hiện UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch 140 dự án khu đô thị, khu dân cư… với tổng diện tích là 100.050 ha. Trong đó, huyện Bến Lức có 32 dự án với tổng diện tích là 17.812 ha; huyện Đức Hòa có 33 dự án với tổng diện tích là 22.115 ha; huyện Cần Đước có 10 dự án với tổng diện tích là 9.562 ha; huyện Cần Giuộc có 25 dự án với tổng diện tích là 8.712 ha; huyện Thủ Thừa có 9 dự án với tổng diện tích là 16.167 ha; TP. Tân An có 20 dự án với tổng diện tích là 5.027 ha; huyện Đức Huệ có 5 dự án với tổng diện tích là 10.461 ha; thị xã Kiến Tường có 1 dự án với tổng diện tích là 23 ha; huyện Châu Thành có 1 dự án với tổng diện tích là 3.143 ha; huyện Tân Trụ có 2 dự án với tổng diện tích là 3.821 ha; huyện Thạnh Hóa có 2 dự án với tổng diện tích là 3.207 ha.

Vừa qua, HĐND tỉnh Long An đã thông qua Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND về việc điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, đối với chỉ tiêu về nhà ở thương mại giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 26,3 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương 100.565 căn nhà xây dựng mới; giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 42,7 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương 161.113 căn nhà xây dựng mới.

Đối với nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 6,39 triệu m2 sàn, tương ứng với 159.750 căn; giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đầu tư xây dựng 9,43 triệu m2 sàn, tương ứng với 235.750 căn.

Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp quan tâm đầu tư kinh doanh, phát triển sản phẩm bất động sản tại Long An, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của các địa phương trong tỉnh.

Phát triển đô thị bền vững

Long An hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố). Trên địa bàn tỉnh có 19 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là TP. Tân An, 6 đô thị loại IV là thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa và 12 đô thị loại V là thị trấn Tân Hưng, thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Trụ, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Đông Thành, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Bình Phong Thạnh, đô thị khu vực Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông.

Trong đó, TP. Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh. Thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh với TP.HCM.

Theo Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh Long An), giai đoạn 2021 - 2025, tổng số đô thị toàn tỉnh là 25; giai đoạn 2026 - 2030, tổng số đô thị toàn tỉnh là 29, gồm: 1 đô thị loại 1 là TP. Tân An, 2 đô thị loại II (Bến Lức, Kiến Tường), 2 đô thị loại III (Cần Giuộc, Hậu Nghĩa); 11 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V.

Hiện nay, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị của TP. Tân An, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Bình Phong Thạnh, thị trấn Thủ Thừa. Đối với 6 đô thị: thị trấn Đức Hòa, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Giuộc, đô thị Long Đức Đông thuộc 3 huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, đang lập quy hoạch chung trên phạm vi toàn huyện. Sau khi quy hoạch chung được phê duyệt sẽ triển khai lập Chương trình phát triển đô thị trên địa bàn toàn huyện.

Có thể nói, với nhiều công trình được đầu tư xây dựng kết nối giao thông, phát triển hạ tầng đô thị, đến nay, diện mạo các đô thị của tỉnh Long An thay đổi rõ nét theo hướng xanh, sạch và khang trang hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, từ khi Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030 có hiệu lực đến nay, các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển theo kế hoạch và thực tế phát triển khởi sắc thay đổi khách quan theo tiến trình phù hợp tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Long An cho phù hợp thực tế và tốc độ phát triển của địa phương.

“Từ nay đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

TP.HCM và Long An thống nhất sớm triển khai 5 dự án hạ tầng kết nối
UBND TP.HCM và UBND tỉnh Long An đã thống nhất hợp tác đẩy nhanh việc xây dựng 5 tuyến đường kết nối giữa 2 địa phương.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư