Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Thừa Thiên Huế: Rộng mở không gian phát triển
Tạo sức bật cho khu vực Chân Mây - Lăng Cô
Linh Đan - 17/12/2023 09:10
 
Việc tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng khu vực Chân Mây - Lăng Cô phát triển thành đô thị ven biển hiện đại hứa hẹn sẽ tạo ra những bứt phá mới cho địa phương trong tương lai.
 Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng  của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai

Rõ dần chân dung đô thị hiện đại, đẳng cấp

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang định hướng quy hoạch phát triển Chân Mây - Lăng Cô trở thành một đô thị ven biển hiện đại trong tương lai, với tổng diện tích 447 km2.

Đây sẽ là đô thị công nghiệp sạch - cảng biển, một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng động lực miền Trung, liên kết chặt chẽ với đô thị Đà Nẵng.

Theo đó, lộ trình đến năm 2030 chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại III; giai đoạn 2030 - 2045, nâng cấp đô thị để trở thành thị xã/thành phố Chân Mây - Lăng Cô.

Trong tương lai, đô thị này sẽ kết nối, chia sẻ lợi ích với sự phát triển của Cảng biển Liên Chiểu (Đà Nẵng) phía bên kia đèo Hải Vân, có thể trở thành hậu cần cảng về logistics bởi lợi thế dư địa về không gian phát triển khá lớn.

Hiện nay, cảng Chân Mây là điểm đến của những tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới, mỗi lần mang theo hàng ngàn du khách. Việc phát triển một thành phố hiện đại ở đây sẽ tạo cho Thừa Thiên Huế những bứt phá mới.

Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành một đô thị ven biển hiện đại trong tương lai. Đây sẽ là đô thị công nghiệp sạch - cảng biển, một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; là đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng động lực miền Trung.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nếu Thừa Thiên Huế đặt ra được mục tiêu “khác thường” và gắn ở tầm quốc gia, có giải pháp tốt, có những nhà đầu tư chiến lược đồng hành, lúc đó mới có được cơ chế, chính sách đặc thù, nguồn lực hỗ trợ tương xứng từ Trung ương. Bởi lẽ, việc phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô hiện đại là việc làm không chỉ cho Thừa Thiên Huế, mà còn cho quốc gia.

Để hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố ven biển hiện đại, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao đến làm việc và sinh sống, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, điểm mới trong việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế lần này là mở rộng không gian phát triển công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có thương hiệu như Tập đoàn VSIP.

Đồng thời, tỉnh cũng xác định lại không gian phát triển của khu bến cảng Chân Mây để tăng chiều dài khai thác tuyến bến, hình thành và phát triển các trung tâm logistics, hệ thống cảng cạn.

Bên cạnh đó, khớp nối với các định hướng quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đến năm 2030 và rà soát điều chỉnh các định hướng phát triển về du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí casino cho giai đoạn đến năm 2045 phù hợp với tầm nhìn toàn khu kinh tế.

Việc điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ cập nhật tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua khu vực đô thị Chân Mây, trong đó có bố trí nhà ga kết hợp với TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) tại khu vực trung tâm của đô thị Chân Mây với quy mô dự kiến khoảng 200 hec-ta để tạo điểm nhấn kiến trúc, tạo nguồn lực cho dự án từ đấu giá bất động sản, tăng giá trị đất ở vùng xung quanh các nhà ga, tạo ra không gian phát triển mới cho khu vực trong tương lai.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch

Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thẩm tra Tờ trình của UBND tỉnh và Dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2045.

Được biết, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 với quy mô là 27.208 ha.

Theo quy định tại Điều 26, Luật Xây dựng, thời hạn quy hoạch chung của khu chức năng từ 20 đến 25 năm. Trong khi đó, Đồ án chỉ dự báo đến năm 2025 đã gần hết thời gian quy hoạch, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đất đai không còn đảm bảo tính định hướng cho đầu tư và tính quản lý kiểm soát của quy hoạch, các dự báo với mốc thời gian đến năm 2025 cũng không còn phù hợp, đồng bộ với số liệu dự báo quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh, quá trình triển khai thực hiện theo Đồ án quy hoạch chung có một số bất cập không còn phù hợp với thực tiễn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch trình HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tại Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 3/6/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 20/4/2023, làm cơ sở quan trọng để triển khai tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) đến năm 2045 theo quy định.

Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy, Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã được UBND tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch đảm bảo quy trình theo quy định, trong đó đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia về đồ án quy hoạch; công bố công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị lập đồ án tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo điều kiện trình HĐND tỉnh cho ý kiến thông qua. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh.

Sau khi HĐND tỉnh quyết định thông qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị lập, các ngành liên quan khi triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch cần lưu ý đến các giải pháp đảm bảo hài hòa giữa phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và khu dân cư hiện hữu, cảnh quan môi trường khu vực, tính thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như tính khớp nối đối với các quy hoạch liên quan. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần lưu ý các khu vực có diện tích đất trồng lúa, đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất an ninh - quốc phòng.

Trước đó, tháng 7/2023, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết về đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp số 02 và số 03 tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Theo quy hoạch, Khu công nghiệp số 02, số 03 có diện tích 409,5 ha; quy mô lao động 15.000 - 17.000 người. Hai khu công nghiệp này được định hướng là khu công nghiệp tập trung, đa ngành. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ hậu cảng phục vụ cảng Chân Mây, phù hợp không gian kiến trúc cảnh quan khu vực lân cận, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Về phân khu chức năng, Khu công nghiệp số 02 nằm ở phía Tây khu vực lập quy hoạch (phía Bắc giáp đường giữa Khu công nghiệp số 02, 03; phía Nam giáp đường Quốc lộ 1A; phía Tây giáp đường Tây cảng; phía Đông giáp đường ra cảng Chân Mây và Khu công nghiệp số 03), quy mô 223,5 ha; có chức năng bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp; công nghiệp kỹ thuật cao và thân thiện môi trường, trong đó có bố trí khu vực dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm điều hành, dịch vụ phụ trợ chính của khu vực phát triển công nghiệp tập trung của khu vực.

Còn Khu công nghiệp số 03 nằm về phía Đông khu vực quy hoạch (phía Bắc, phía Đông giáp đường quy hoạch có lộ giới 33 m tiếp giáp núi Phú Gia; phía Nam giáp đường Quốc lộ 1A; phía Tây giáp đường ra cảng Chân Mây). Với quy mô 186 ha,  nơi này sẽ được bố trí nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, kho bãi và dịch vụ hậu cảng phục vụ cảng Chân Mây; ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ…

Việc phê duyệt 2 khu công nghiệp này nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của huyện Phú Lộc về đầu tư phát triển tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, tạo sự đồng bộ, khớp nối với các khu vực đã được triển khai lập quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về phát triển khu công nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; nâng cao hiệu quả năng lực, khai thác tối đa việc sử dụng quỹ đất; thiết lập khu vực sản xuất tập trung gắn với bảo vệ môi trường, hài hòa kiến trúc cảnh quan khu chức năng lân cận; tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tạo việc làm, khai thác tiềm năng, tăng trưởng kinh tế…

Đánh giá về tiềm năng phát triển các khu công nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, địa phương vẫn còn nhiều dư địa, trong đó có khu vực Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Để khai thác tốt lợi thế này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, để nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đón làn sóng đầu tư, nhất là các dự án FDI, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người lao động không chỉ trong tỉnh, mà cả những tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Hành trang đi tìm bản sắc khác biệt
Thừa Thiên Huế đã quy hoạch một trung tâm logistics hạng I, diện tích khoảng 20 ha tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Với nhiều tiềm năng, logistics...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư