Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Tiềm năng phát triển kinh tế tập thể rất lớn
Mạnh Bôn - 05/02/2024 09:28
 
Theo TS. Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển khu vực kinh tế tập thể rất lớn, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tiếp cận được các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
TS. Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp đang dần phục hồi, còn khu vực kinh tế tập thể thì sao, thưa ông?

Hiện tại, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. So với một năm trước, số lượng HTX tăng 8%, liên hiệp HTX tăng 26,4%, tổ hợp tác tăng gần 3%.

Theo Sách Trắng HTX Việt Nam năm 2023, mới được Tổng cục Thống kê công bố, trong năm 2022 (so với năm 2021), doanh thu bình quân của các HTX tăng 35%; lợi nhuận tăng 71%; thu nhập của một lao động thường xuyên trong HTX đạt 56 triệu đồng/người, tăng 8%. Tổng số cán bộ quản lý HTX là 140.000 người, tăng 28%, trong đó, số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm trên 20%. Đặc biệt, có khoảng 1.800 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể đã vào đà phục hồi, tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Như vậy, có thể nói, khu vực kinh tế tập thể đang phục hồi mạnh mẽ?

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 vừa được Chính phủ tổ chức với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 20 -NQ/TW - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Trong đó, đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

Thưa ông, có được kết quả bước đầu là nhờ những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể?

Có thể nói, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt trong hơn 10 năm qua. Sự quan tâm này không còn là khẩu hiệu chung chung, bởi tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII (tháng 6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, coi kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân… “Phải nhận thức rõ, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị..., là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, trong những năm vừa qua, Chính phủ đã xây dựng 6 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX. Ngoài ra, đối với HTX nông nghiệp còn được hỗ trợ bổ sung 5 nhóm chính sách nữa.

Từ chính sách đến cuộc sống thế nào, thưa ông?

Hầu hết chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đã được triển khai trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhiều địa phương đã chủ động bố trí, huy động, lồng ghép các nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chính sách trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Các nội dung hỗ trợ cho HTX bước đầu đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ông có thể dẫn chứng cụ thể về sự hỗ trợ của các bộ, ngành đối với khu vực kinh tế tập thể?

Riêng năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX từ nguồn lồng ghép trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cũng trong năm này, Bộ Công thương tổ chức 20 khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể tại 20 tỉnh, thành phố về cách thức tham gia thị trường thương mại điện tử, như tiếp thị kỹ thuật số, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị trên mạng xã hội cho người sản xuất, chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX xuất khẩu, livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản lượng mùa vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cán bộ xúc tiến thương mại.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn từ năm 2013-2021 có 2.620 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Số liệu của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ được 5.876 HTX hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Hàng năm, các bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ kinh tế tập thể ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công.

Nhưng thưa ông, tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế này?

Thủ tướng cho rằng, dư địa phát triển kinh tế tập thể của nước ta còn rất lớn, vì thực tế, khu vực này đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp. Một số thành viên tham gia hoạt động của HTX còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến...

Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cũng đã chỉ rõ: “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều, nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi”. Chính vì vậy, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phải đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt phải phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số

Phó thủ tướng Lê Minh Khái: Phát huy tối đa vai trò nòng cốt của nông dân trong kinh tế tập thể
Ngày 12/10, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dự và phát biểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư