Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 24/8: Cho phép người dân đánh giá chất lượng phòng khám
D.Ngân - 24/08/2023 09:26
 
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết đang triển khai đánh giá chất lượng các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, kết quả sẽ được công khai giúp người dân có thêm thông tin tin cậy để chọn lựa khi có nhu cầu.

Công khai minh bạch trong đánh giá chất lượng

Sở Y tế TP.HCM cũng đang khẩn trương cập nhật và bổ sung tính năng của ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh” để người dân “chấm sao” cho các phòng khám.

Ảnh minh hoạ.

Đại diện Sở Y tế Thành phố cho biết, từ ngày 17/8/2023, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng, với 5 tổ kiểm tra độc lập đã bắt đầu kiểm tra, đánh giá chất lượng các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn.

Trong quá trình kiểm tra, bên cạnh việc ghi nhận những cách làm hay để giới thiệu và nhân rộng, nếu phát hiện phòng khám nào có dấu hiệu cố tình vi phạm các quy định pháp luật, tổ kiểm tra sẽ lập biên bản và chuyển thanh tra Sở Y tế xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành tiêu chí chất lượng dành riêng cho loại hình phòng khám, Sở Y tế sẽ tiếp tục đánh giá chất lượng các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ dựa trên các tiêu chí được Hội đồng chất lượng khám, chữa bệnh của ngành Y tế TP.HCM soạn thảo, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành về khám, chữa bệnh, các thông tư, hướng dẫn của Bộ Y tế có liên quan.

Về đánh giá mức độ chất lượng, chất lượng sẽ tương ứng với số điểm trung bình, tối đa là 5 điểm, số điểm càng giảm thì chất lượng càng thấp tương ứng.

Bên cạnh hoạt động đánh giá chất lượng các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế còn phối hợp UBND quận, huyện TP. Thủ Đức tổ chức những đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở làm đẹp do địa phương cấp phép và cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề quá phạm vi theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở Y tế đang bổ sung danh sách các cơ sở làm đẹp do UBND quận, huyện cấp phép (hơn 6.000 cơ sở) vào danh sách tra cứu hoạt động khám, chữa bệnh để người dân dễ dàng tra cứu và xác định phạm vi hành nghề của các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng cho biết thêm, theo kế hoạch của Sở, song song với hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng các phòng khám chuyên khoa và đa khoa, Sở Y tế đang khẩn trương cập nhật và bổ sung tính năng của ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”.

Theo đó, bên cạnh điểm đánh giá chất lượng được gắn liền với tên mỗi cơ sở khám chữa bệnh, một hoạt động mới là người dân tham gia vào “chấm sao” các phòng khám và bệnh viện sau khi sử dụng các dịch vụ tại các cơ sở y tế sẽ sớm được triển khai.

Hoạt động “chấm sao” giúp thêm một kênh thông tin tham khảo để người dân nghiên cứu trước khi quyết định chọn cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Y tế TP.HCM chia sẻ sẽ tiếp tục công khai kết quả đánh giá chất lượng các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trong thời gian tới.

Công tác phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế

Một số nghiên cứu cho thấy, tại nước ta hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, gần 7 triệu người khuyết tật và hơn 4 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học dioxin.

Những đối tượng này rất cần có bệnh viện phục hồi chức năng và các cơ sở phục hồi chức năng khác để chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và hòa nhập cuộc sống.

Theo PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh.

Phục hồi chức năng là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mạn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu phục hồi chức năng được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục, công bằng để nâng cao sức khỏe và phát triển xã hội bền vững.

Hiện tổ chức mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng tại nước ta gồm hai bệnh viện tuyến trung ương; 38 bệnh viện tuyến tỉnh và 25 bệnh viện thuộc các bộ, ngành; 550 khoa phục hồi chức năng thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện;

Có hơn 9.000 trong tổng số hơn 11.000 xã, phường phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Năng lực chuyên môn kỹ thuật ngày càng được phát triển và nâng cao, dịch vụ phục hồi chức năng được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe.

Ðến nay, Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố đã cấp chứng chỉ hành nghề phục hồi chức năng cho 2.431 cá nhân, trong số đó, có 1.721 kỹ thuật viên; cả nước có khoảng 7.200 người được đào tạo về phục hồi chức năng...

Tuy nhiên, ngành phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn: Phần lớn cơ sở vật chất còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở chưa tiếp cận với người khuyết tật như chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu;

Nhân lực phục hồi chức năng còn thấp so với thế giới: 0,25 cán bộ phục hồi chức năng/10 nghìn dân, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là 0,5 đến 1 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân.

Chưa kể, hiện nay, có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số bệnh viện phục hồi chức năng.

Thực trạng thiếu phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế đối với cơ sở phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành khác quản lý còn tồn tại;

Các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình; kinh phí phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa được bố trí hoặc nếu có thì rất ít.

TP.HCM kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài
Nhiều phòng khám tại TP.HCM bị tước giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, "vẽ" bệnh, moi tiền bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư