Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 26/10: Ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì
D.Ngân - 26/10/2022 09:07
 
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2892/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì

Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây.

Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc. Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh tại Việt Nam khoảng 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014 tương đương với tốc độ tăng trưởng 38%.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam trong thời gian từ 1975 - 2015 cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).

Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản.

Ảnh minh hoạ

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Béo phì được các tổ chức y tế bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, làm giảm chất lượng sống,... Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

Nguyên tắc chung điều trị béo phì gồm: Can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

Điều trị bằng thuốc khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.

Phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa để đạt được hiệu quả điều trị và duy trì giảm cân đạt yêu cầu bền vững.

Phối hợp đa chuyên khoa là nền tảng trong mô hình chăm sóc điều trị béo phì: Béo phì là một tình trạng phức tạp có nguồn gốc đa yếu tố. Các yếu tố sinh học mà cả tâm lý và xã hội cùng tác động dẫn đến quá cân và các biến chứng liên quan.

Quản lý béo phì không thể chỉ tập trung vào việc giảm cân (và BMI). Quản lý các bệnh đồng mắc, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân béo phì cũng được đưa vào mục tiêu điều trị.

Quản lý béo phì toàn diện nên được thực hiện bởi một đội ngũ thích hợp gồm nhiều chuyên khoa và bao gồm các chuyên gia khác nhau để có thể giải quyết các khía cạnh khác nhau của béo phì và các rối loạn liên quan. Người bệnh nên hiểu rằng, vì béo phì là một bệnh mãn tính, nên việc quản lý cân nặng sẽ cần phải kéo dài suốt đời.

Xây dựng nhóm các chuyên gia đa chuyên khoa: những bác sĩ được đào tạo đặc biệt về quản lý béo phí, chuyên gia dinh dưỡng, nhà trị liệu hành vi, chuyên gia hướng dẫn vận động thể lực, điều dưỡng về bệnh béo phì, bác sĩ phẫu thuật.

Trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng ngành lọc máu

Hội Lọc máu Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Khoa học lần thứ II tại Quảng Ninh với chủ đề “Lọc máu hiệu quả”.

Hội nghị là nơi để các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế báo cáo các đề tài khoa học mới nhất, từ đó cùng cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, chuyên ngành lọc máu Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á và có bước phát triển mạnh mẽ, tiếp cận với trình độ hiện đại của lọc máu thế giới. Nhiều kỹ thuật cao đang được triển khai như: lọc máu chu kỳ, thẩm tách siêu lọc máu bằng dịch bù trực tiếp (HDF online), hấp phụ máu...

Tuy nhiên, lọc máu Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức từ đòi hỏi của thực tiễn, khi người bệnh suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa; số người cần phải lọc máu tiếp tục tăng.

Việt Nam có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với nguồn nhân lực 3.500 cán bộ thầy thuốc; số máy chạy thận nhân tạo là hơn 5.500 máy đang thực hiện lọc máu cho khoảng 33 nghìn bệnh nhân.

Đến nay, số người bệnh đã được ghép thận là hơn 4.500 trường hợp, một con số quá thấp so với số người có nhu cầu cần ghép. Số người có nhu cầu được ghép thận ở Việt Nam sẽ còn tăng trong những năm tới, điều đó đặt ra nhiều thách thức cho ngành lọc máu Việt Nam.

Khánh Hoà: Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cảng biển, sân bay

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa chủ động nhiều phương án giám sát, nhằm phát hiện sớm ca bệnh tại các cảng, cửa khẩu quốc tế.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa đã triển khai phương án kiểm soát, phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ và dịch bệnh khác tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế Cam Ranh.

Tăng cường nhân lực, tổ chức trực 24/24 giờ, bố trí 5-10 máy đo thân nhiệt từ xa và các nhiệt kế cầm tay để giám sát bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh đậu mùa khỉ nói riêng tại khu vực xuất, nhập cảnh.

Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, ngay từ khi hành khách đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Cam Ranh, lực lượng y tế sẽ giám sát các triệu chứng, dấu hiệu của hành khách. Thực hiện phân luồng đối với những trường hợp nghi ngờ, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai biện pháp chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng có kịch bản phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu chẩn đoán xác định, điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, cùng với triển khai giải pháp kiểm soát chặt bệnh đậu mùa khỉ, cũng như dịch COVID-19 tại cửa khẩu, cảng biển, ngành Y tế thực hiện nghiêm việc kiểm soát, giám sát tại cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; chuẩn bị điều kiện đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế.

Rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí… Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã bố trí khu điều trị với 30 giường, trang bị đầy đủ thiết bị y tế để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ và mắc bệnh đậu mùa khỉ (nếu có).

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh đã kiểm soát hơn 800 chuyến bay xuất, nhập cảnh với hơn 130.000 lượt hành khách, tổ bay, gần 150 lượt tàu biển xuất, nhập cảnh với gần 4.000 người.

Tỷ lệ trẻ béo phì ở Việt Nam tăng hơn 2 lần sau 10 năm
Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư