Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 9/2: Gia hạn đăng ký lưu hành gần 8.880 thuốc, nguyên liệu thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế
D.Ngân - 09/02/2023 09:04
 
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ra Quyết định số 62/QĐ-QLD về việc công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng.

Gia hạn đăng ký lưu hành gần 8.880 thuốc, nguyên liệu thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế

Tại quyết định này, Cục Quản lý Dược đã gia hạn gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế. Điều này có nghĩa là toàn bộ giấy đăng ký lưu hành của gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Trong số gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này có 6.819 thuốc trong nước, 1.856 thuốc nước ngoài và 203 vắc-xin, sinh phẩm y tế.

Ảnh minh hoạ.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị như tim mạch, tiêu hoá, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư...

Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố sẽ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://moh.gov.vn/home, Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ: https://dav.gov.vn và được tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các đợt công bố tiếp theo.

Thông tin chi tiết của từng thuốc, nguyên liệu làm thuốc được tra cứu theo số đăng ký công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index.

Trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính, sửa đổi thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành đã được cấp, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Cục Quản lý Dược với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

TP.HCM: Kiểm tra ngăn chặn nạn “cò khám chữa bệnh”

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa triển khai 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật của các phòng khám tư nhân xung quanh khu vực có thông tin về hiện tượng “cò khám chữa bệnh”.

Kết quả kiểm tra đột xuất, bao gồm 1 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám chuyên khoa tư nhân, cho thấy có 1 phòng khám có dấu hiệu hoạt động của “cò” dẫn dụ người bệnh đến khám chữa bệnh, đó là một phòng khám chuyên khoa Nội (ở gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở cũ) trên địa bàn quận Bình Thạnh, các phòng khám còn lại chưa phát hiện có dấu hiệu “cò”, tuy nhiên các phòng khám đều có các sai phạm về các quy định chuyên ngành trong quá trình hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm các phòng khám có dấu hiệu liên kết với “cò” tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Nạn “cò” tại các bệnh viện luôn là vấn đề nóng của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố, luôn là thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người bệnh, và gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng môi trường phục vụ văn minh, hiện đại, nghĩa tình tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Mặc dù ngành y tế và ngành công an đã có nhiều nỗ lực trong sự phối hợp hoạt động để ngăn chặn nạn “cò bệnh viện” nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ sức để răn đe tệ nạn này tại các bệnh viện.

Hiện nay, số lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn Thành phố đang phục hồi và tăng nhanh trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát ổn định.

Khi số lượt khám tăng cao cũng chính là thời điểm để nạn “cò” lại tái diễn, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực đông người nhất là khu vực đăng ký khám bệnh; yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh triển khai các ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; tăng cường truyền thông để người bệnh cảnh giác với nạn “cò”; và nhất là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng “cò” ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện.

Sở Y tế kiến nghị Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường hỗ trợ các bệnh viện và có biện pháp quyết liệt đối với tệ nạn “cò” tại các bệnh viện.

Ngành Y tế tiếp tục tham mưu lãnh đạo Thành phố ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân và nhất là tăng cường huy động nguồn lực tư nhân tham gia mở thêm nhiều cơ sở khám, chữa bệnh mới, trong đó nghiên cứu cơ chế phối hợp công - tư với mô hình “chuỗi bệnh viện”, “chuỗi phòng khám” của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối vốn luôn quá tải và là nơi “cò” luôn lợi dụng để hoạt động.

Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền đảm bảo công tác an toàn thực phẩm

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã tổ chức các lớp hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn trực tiếp cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng là 864 buổi với tổng số 37.428 lượt người, phát 103.848 tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

Chi cục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức chiến dịch truyền thông đưa các tin hoạt động về an toàn thực phẩmtrong tháng hành động (Thanh kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm...) với  Đài PTTH Hà Nội. Phối hợp với Đài truyền hình kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, bao bì vật liệu tiếp xúc trực tiếp thực phẩm (Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Tây Hồ...).

Tổ chức Tọa đàm mời các chuyên gia tham dự về các vấn dề an toàn thực phẩm, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại quận Đống Đa.

Phối hợp với quận, huyện tập huấn cho cán bộ trường học có Bếp ăn tập thể tại các quận/huyện/thị xã. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý ATTP cho các trường có bếp ăn bán trú tại huyện Đan Phượng, huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai, quận Thanh Xuân.

Phối hợp với huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, quận Bắc Từ Liêm, quận Long Biên tổ chức lớp tập huấn triển khai các biện pháp chuyên môn về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý và các cơ sở thực phẩm tại tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn được 21/30 lớp tập huấn bồi dưỡng các văn bản quản lý an toàn thực phẩm cho Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các cấp năm 2022 tại quận, huyện, thị xã.

Tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người trực tiếp chế biến thực phẩm trong Bữa cỗ tập trung đông người tại 20 quận huyện với khoảng 1800 người tham dự.  Chi cục cùng với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về cho cán bộ màng lưới hội. Viết 960 bài thực trạng về công tác an toàn thực phẩm tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các quận, huyện 9.126 lượt, ở xã, phường, thị trấn 13.696 lượt.  

Tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu tại các xã, phường, thị trấn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm: 1.584 chiếc, tranh, ảnh, áp phích 1188 tờ.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cấp mới 1481 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cấp 726 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm (bao gồm 613 sản phẩm sản xuất trong nước và 113 sản phẩm nhập khẩu), 59 giấy xác nhận nội dung Quảng cáo sản phẩm thực phẩm; Các doanh nghiệp đăng tải 7262 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn lên hệ thống dịch vụ công của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.

Đặc biệt, trong tác phòng chống ngộ độc thực phẩm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiện toàn 04 đội cơ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến Thành phố, chủ động giám sát an toàn thực phẩm với trên 130.000 suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các Hội nghị, sự kiện của Trung ương và Thành phố.

Thêm 271 giấy đăng ký lưu hành thuốc... được gia hạn
Ngày 23/9, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ký quyết định về việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 271 thuốc, nguyên liệu làm thuốc,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư