Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 19/6: Dấu hiệu căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 thế giới
D.Ngân - 19/06/2024 09:00
 
Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) thống kê năm 2020 cho thấy ung thư thận là ung thư hệ tiết niệu phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới.

Dấu hiệu mắc ung thư thận

Chị Đ.Q.V. (49 tuổi, Vĩnh Long) đến viện khám sức khỏe tổng quát. Khi chụp cắt lớp vi tính (CT) 768 lát cắt ở vùng bụng, bác sĩ phát hiện thận phải của chị có một khối u rất lớn.

Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) thống kê năm 2020 cho thấy ung thư thận là ung thư hệ tiết niệu phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới.

Điều kỳ lạ là khối u kích thước 10x11cm khiến thận phải từ hình dạng hạt đậu lại giãn ra như trái đu đủ. Khối u khiến thận phải to gấp đôi thận trái với hình dáng bình thường. Điều này khiến chị bất ngờ, bởi trước đó, chị không có triệu chứng bất thường nào.

Các bác sĩ giải thích khối u tuy lớn nhưng nằm ở khoang sau phúc mạc và không chèn ép cơ quan xung quanh nên người bệnh không cảm thấy đau.

Kết luận chỉ rõ chị V. bị ung thư thận đoạn T2bN0M0, tức còn khu trú, chưa xâm lấn vỏ bao thận, hạch, chưa di căn xa, có thể phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u để điều trị. Tuy nhiên, do khối u quá lớn, không thể mổ nội soi, bắt buộc phải mổ mở.

Bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm được thu thập gửi đi xét nghiệm. Kết quả giải phẫu bệnh cho biết khối u thận phải chị V. thuộc loại ung thư biểu mô tế bào sáng, là loại ung thư thận thường gặp nhất, chiếm 80%-85% trường hợp.

TS.Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, người bệnh chỉ còn một trái thận nên cần chú ý kiểm soát chế độ dinh dưỡng, lượng nước nạp vào cơ thể để tránh thận còn lại phải làm việc quá tải, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Chị V. cũng cần hạn chế vận động mạnh, tránh chấn thương vùng hông, dễ tổn thương bên thận còn lại.

Ngoài ra, theo kết quả giải phẫu bệnh, ở các diện cắt không phát hiện tế bào ung thư, đồng nghĩa ung thư đã bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cơ thể sau phẫu thuật, không cần làm thêm hóa trị. Tuy nhiên, chị cần định kỳ tái khám sát trong 2 năm đầu để bác sĩ theo dõi, đánh giá nguy cơ ung thư tái phát.

Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) thống kê năm 2020 cho thấy ung thư thận là ung thư hệ tiết niệu phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới, xếp sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quan với gần 435.000 ca mắc mới và gần 156.000 trường hợp tử vong.

Cùng thời điểm tại Việt Nam, GLOBOCAN ghi nhận ung thư thận là ung thư tiết niệu thường gặp thứ hai, chỉ sau ung thư tuyến tiền liệt với 2.246 ca mắc mới và 1.112 trường hợp tử vong.

Nguyên nhân gây ung thư thận hiện chưa được xác định rõ. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh như người lớn tuổi; béo phì, hút thuốc lá lâu năm; mắc cao huyết áp, suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo, thận đa nang người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại…

Ở giai đoạn đầu, khối còn nhỏ (dưới 3cm), ung thư thận không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe. Khi các triệu chứng như đau hông lưng, tiểu máu, sờ thấy khối u nhô lên ở hông, chán ăn, sụt cân bất thường, dễ mệt mỏi… ung thư thận đã ở giai đoạn trễ. Nếu xuất hiện thêm biểu hiện đau nhức xương, ho dai dẳng, ung thư đã bước sang giai đoạn di căn.

Với ung thư thận chưa di căn, tùy kích thước khối u, phẫu thuật cắt một phần thận hoặc toàn bộ thận là lựa chọn tối ưu, có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Trường hợp ung thư đã di căn, bên cạnh phẫu thuật cắt bỏ khối u, người bệnh cần điều trị bổ sung bằng hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích…

Tuy nhiên, việc điều trị trong giai đoạn trễ chỉ mang tính chất làm chậm tốc độ di căn, giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng sống của người bệnh, không thể chữa khỏi bệnh.

TS.Lê Phúc Liên khuyến cáo, người dân cần xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để phát hiện sớm các khối u bất thường tại thận để có phương án điều trị sớm, chỉ cần cắt khối u, không phải cắt toàn bộ thận. Tránh trường hợp phát hiện quá muộn, điều trị khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ngoài ra, bác sĩ Phúc Liên khuyên những người có biểu hiện đau hông lưng lâu ngày không khỏi, tiểu ra máu, chán ăn, sụt cân bất thường… cần đến bệnh viện khám ngay. Người có người thân tiền sử mắc ung thư cả hai bên thận cần sớm tầm soát ung thư thận bởi có khả năng di truyền.

Cảnh báo bệnh dại nguy hiểm

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 72 tuổi ở Hòa Bình được chuyển đến khoa Cấp cứu, trong tình trạng phải thở máy. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi dại, uốn ván, sốc nhiễm khuẩn.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 1/4, bệnh nhân bị chó cắn vào chân (chó con mới đẻ được 3 tháng, chưa được tiêm phòng dại). Ngay khi cắn, con chó đã bị đập chết. 

Khi các vết thương chảy máu, bệnh nhân tự sát khuẩn bằng cồn tại nhà. Vì chủ quan, bệnh nhân cũng không đi tiêm phòng dạ

4 ngày gần đây, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, cảm giác sợ nước, sợ gió, co cứng tay chân 2 lần ~ 10 phút. Bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế điều trị trong tình trạng thở co kéo cơ hô hấp.

Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, vận mạch, an thần… Bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi dại và uốn ván; viêm phổi theo dõi apces gan/ tăng huyết áp và được chuyển đến khoa Cấp cứu. 

Khi làm xét nghiệm PCR nước bọt, dịch não tủy có kết quả dương tính với virus dại. Bệnh nhân được bác sĩ giải thích tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình ký hồ sơ xin về chăm sóc tại nhà.

Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Tăng gấp 3 lần nguy cơ ung thư thanh quản nếu uống rượu và hút thuốc lá
Các yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư hạ họng - thanh quản gồm thói quen uống rượu, hút thuốc lá. Nếu vừa uống rượu vừa hút thuốc lá, nguy cơ ung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư