Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 19/2: Tầm soát để phát hiện sớm ung thư thận
D.Ngân - 19/02/2024 10:52
 
Ung thư thận thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc vô tình khám một bệnh khác.

Dấu hiệu mờ nhạt của ung thư thận

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM điều trị đang điều trị cho nam bệnh nhân mắc ung thư thận nhờ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Phan Trường Nam, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2020, ung thư thận chỉ đứng thứ 14 trong số các bệnh ung thư phổ biến trên thế giới với 431.288 ca mắc mới, 179.368 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, trong năm 2020, GLOBOCAN ghi nhận 2.435 ca mắc mới, 1.130 trường hợp không qua khỏi.

Bác sĩ Nam cho biết ung thư thận diễn tiến âm thầm, người bệnh không nhận thấy biểu hiện ở giai đoạn đầu. Ung thư thận thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc vô tình khám một bệnh khác.

Ở những giai đoạn muộn hơn, người bệnh gặp các triệu chứng như tiểu ra máu, ăn uống không ngon miệng, sụt cân trong thời gian ngắn, mệt mỏi, đau tức hông lưng dai dẳng, đau nhức xương, khó thở.

Do khối u thận phải của bệnh nhân được phát hiện sớm, còn ở giai đoạn khu trú, chưa di căn đến các cơ quan khác nên phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị được ưu tiên lựa chọn, bảo tồn tối đa thận. Trường hợp phát hiện trễ hơn phải cắt toàn bộ quả thận.

Bác sĩ Nam khuyên người dân, nhất là người từ 55 tuổi trở lên hoặc người có người nhà mắc ung thư thận, cần chủ động khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ 6-12 tháng/lần để sớm phát hiện và điều trị bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.

Để giảm nguy cơ mắc ung thư thận, người dân cần ngừng hút thuốc lá; kiểm soát bệnh cao huyết áp, tiểu đường, béo phì (nếu có).

Cứu sống bệnh nhân bị ngừng tim do nhồi máu phổi

Bệnh nhân bị nhồi máu phổi, nhập viện trong tình trạng ngừng tim. Sau nỗ lực sốc điện tới 3 lần, tim bệnh nhân mới đập trở lại.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 75 tuổi vào viện trong tình trạng ngưng tim, mạch, huyết áp không đo được, đồng tử 2 bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng âm tính.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước vào viện 1 giờ bệnh nhân đột ngột khó thở, được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhồi máu phổi, trạng thái sau hồi sinh tim phổi do suy hô hấp, huyết khối động mạch phổi, hạ kali máu. Bệnh nhân chuyển khoa hồi sức tích cực nội khoa.

Bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa hồi sức tích cực theo phác đồ chống đông, hỗ trợ hô hấp tích cực, bảo vệ thần kinh.

Bác sĩ Phạm Quang Trình, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh tiến triển tốt, sau 1 ngày, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, không có tổn thương thần kinh khu trú, toàn trạng ổn định, đỡ khó thở. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tắc động mạch phổi hay thường gọi là nhồi máu phổi là một bệnh lý hết sức nặng nề, thường dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Nhồi máu phổi xảy ra khi một phần mô phổi chết do nguồn cung cấp máu cho nó bị tắc nghẽn.

Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của nó, các triệu chứng của nhồi máu phổi có thể khác nhau ở mỗi người. Khi nhồi máu phổi xảy ra, bệnh nhân cần được đánh giá và điều trị tích cực. Mặc dù có nhiều biện pháp điều trị khá tích cực hiện nay, nhưng tỷ lệ tử vong chung ở bệnh nhân nhồi máu phổi vẫn khoảng 20-30%.

Nhồi máu phổi thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh đi kèm, đặc biệt là bệnh tim mạch cùng tồn tại và bệnh ác tính tiềm ẩn, nhưng ít gặp ở người trẻ và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ nhồi máu phổi ở người trẻ đang gia tăng, có liên quan tới lối sống như ít vận động, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thuốc tránh thai.

Các dấu hiệu đặc trưng của nhồi máu phổi: Hụt hơi, khó thở, đau ngực, ho kéo dài, kèm theo máu hoặc đờm, rối loạn nhịp tim, cảm thấy choáng váng và chóng mặt, đổ mồ hôi đầm đìa, sốt, đau tức ở bắp chân, da đổi màu xanh tím, sốc tim.

"Khi bệnh nhân có các biểu hiện bất thường trên thì nên đi thăm khám sớm để được cấp cứu kịp thời, tránh những trường hợp đi khám muộn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Trình khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư